Không thể cấm bán rượu, bia trên Internet

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn tại Phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 12/4.

Nhiều quy định đưa ra trong Dự Luật lần này vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh. Quochoi.vn
Liên quan đến quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet và quy định điều kiện bán rượu, bia dưới 15 độ cồn trên internet, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Có nhiều quy định trong dự thảo sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong đối xử với các sản phẩm rượu bia, các hộ kinh doanh, nhà sản xuất; đồng thời kém khả thi trên thực tế. Ví dụ như cấm bán rượu bia trên 15 độ trên Internet. Như thế phải chăng bia và rượu vang thì có thể bán thoải mái. Trong khi đó, bán hàng trên Internet chỉ là phương thức kinh doanh.
“Thời đại công nghệ thông tin này đừng đưa ra cái đó, người ta đang áp dụng công nghệ hiện đại thì anh lại cấm bán hàng trên internet” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời cho rằng, mỗi năm Việt Nam đang tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia mỗi năm, cũng gây ra những tác hại không hề nhỏ. Bán hàng trên internet khiến cho việc kiểm soát dễ dàng hơn, và nếu quy định là phải thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hiệu quả hơn nhiều”.
Cũng băn khoăn về tính khả thi của Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bình luận: Mục tiêu cuối cùng của luật này là đảm bảo sức khoẻ Nhân dân. Luật cần điều chỉnh mọi loại đồ uống có cồn, độ cồn từ bao nhiêu trở lên, đừng chỉ căn cứ vào tên gọi “bia” hoặc “rượu”.  “Có khá nhiều quy định trong dự thảo sẽ không thực hiện được trên thực tế. Chẳng hạn như không quảng cáo rượu, bia trên báo hình trong khung giờ nhất định, nhưng trong các trận bóng đá được phát trực tiếp, chắc chắn người xem sẽ thấy các bảng quảng cáo đó. Tác động của Luật đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo… phải được giải thích cặn kẽ, để đảm bảo thực hiện đúng các cam kết quốc tế, không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân cho ý kiến vào Dự thảo Luật. Ảnh. Quochoi.vn
Cho rằng để hạn chế việc lạm dụng rượu bia thì cần áp dụng đồng bộ cả 4 nhóm giải pháp là giảm cung, giảm cầu, giảm tiếp cận và giảm tác hại, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Theo số liệu công bố tại hội thảo mà Bộ Y tế tổ chức, chi phí tiền mua rượu 4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo 2,41 tỷ USD. Nếu con số này là đúng thì tình trạng tiêu thụ rượu bia đã đến mức báo động. Liên quan đến Khoản 5 Điều 28 với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh bán rượu bia trong pham vi tối thiểu 100m gần trường học để giảm thiểu sự tiếp cận của trẻ em với rượu bia, Trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ: “Tôi ủng hộ quy định này. Thực tế, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên rượu, bia gần trường học mà các cửa hàng tạp hóa thường bán đan xen các mặt hàng khác, cho nên cần loại bỏ mặt hàng này".
Liên quan đến quy định chấm dứt sản xuất rượu thủ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận xét: Vấn đề là kiểm soát được chất lượng đầu ra của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chứ đừng vội vã kết tội sản xuất thủ công. Nếu quy định cứng nhắc thì lại thành ra hạn chế sự sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thể hiện rõ thái độ khi ban hành là luật này chỉ phòng chống tác hại, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước uống bia nhiều nhất thế giới, ở nước ngoài muốn uống cốc thứ hai thì phải xin còn mình thì ép nhau uống hết cốc này sang cốc khác. “Đó là văn hoá kỳ lạ, phải thay đổi văn hoá người tiêu dùng. Văn hoá lên, nhận thức thay đổi thì cầu sẽ giảm chứ không phải luật ra để cấm hay thu hẹp sản xuất của nhà máy sản xuất rượu bia - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh. TTXVN
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quy định về quảng cáo như thế nào vừa phải đảm bảo lợi ích thỏa đáng của DN và của cả đối tượng được hưởng lợi của quảng cáo này. Chẳng hạn tiền quảng cáo rượu  bia đó nuôi một số đội bóng thì quy định thế nào để các đội bóng không bị ảnh hưởng. Quy định cấm quảng cáo phải phù hợp với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Luật không cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo đúng pháp luật. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần cân nhắc, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với văn hoá, tập quán của người Việt. Chúng ta không vội vã ban hành Luật khi chưa xem xét kỹ, toàn diện vấn đề. Nếu chưa chín muồi, chưa đồng thuận thì chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 7 như dự kiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần