Không thể chỉ “Vâng! Xin lỗi”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vâng! Xin lỗi”. Công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm”- đó chính là câu cửa miệng của ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, khi xảy ra sự việc nước sạch có mùi lạ, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội do Thành ủy tổ chức chiều 15/10/2019.

Ảnh chụp thể hiện rõ việc dòng nước bẩn chảy xung quanh nhà máy nước sông Đà ở Hòa Bình. Ảnh: TPO
Trả lời Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) giữ trên 60% cổ phần của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà và là cổ đông chi phối của công ty cũng chỉ ngắn gọn cho rằng, DN đang nỗ lực với các giải pháp để đảm bảo nước sạch cho người dân.
Thất vọng! Sứ mệnh cao cả “Gelex cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao thông qua các giải pháp công nghệ hiện đại và dịch vụ vượt trội” bị chính các ông chủ Gelex sổ toẹt qua vụ việc hàng chục nghìn người dân Hà Nội đang lao đao vì nguồn nước sạch có hàm lượng Styren vượt giới hạn từ 1,3 - 3,65 lần. Hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, đáng lên án một thì hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải nhưng không ngăn chặn kịp thời đáng lên án 10.
Trước sự cố ô nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Ðông nhưng ông Tốn vẫn ráo hoảnh: “Công ty cấp tốc lấy mẫu nước đi kiểm tra chỉ tiêu C, bình thường mất 10 - 20 ngày mới có kết quả. Lúc bấy giờ, lấy cớ gì để dừng cấp nước” là không thể chấp nhận được. Bằng mắt thường, người dân cũng phát hiện được nước sinh hoạt có mùi khét nồng nặc, có váng dầu không thể dùng được thì ông Tổng Giám đốc Viwasupco phân bua “vì phận làm thuê” không thể tự ý dừng cấp nước.
Tính mạng của người dân là lớn hay cái chức vụ Tổng Giám đốc làm thuê của ông là lớn? Cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ xác minh làm rõ vì sao vụ việc xảy ra gần một tuần nhưng đến sáng 14/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10.
Hà Nội đã công bố điện thoại đường dây nóng, cung cấp nước sạch miễn phí đến cụm dân cư suốt ngày đêm. Nhiều nơi người dân không thể chờ được đã phải góp nhau bỏ tiền ra mua 2 triệu đồng/xe (10m3) để giải quyết nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cấp bách hàng ngày. Mọi việc chắc chắn không chỉ dừng lại ở “Vâng! Xin lỗi!” đơn giản thế được khi Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ việc. Điều 608, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Thậm chí nhiều người cho rằng cần khởi tố vụ án liên quan đến việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Không phải thuộc trường hợp bất khả kháng như thiên tai, động đất, chiến tranh… thì bất luận lý do gì người dân cũng có quyền đòi hỏi Công ty Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường vì đã vi phạm cam kết tại hợp đồng sử dụng dịch vụ cung cấp nước sạch cho người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần