Không thể cứ hứa mãi

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thời gian thi công kéo dài hơn 10 năm với nhiều lần lỡ hẹn sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng Tư này.

Đó là lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quý I/2021 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Tại hội nghị, trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có gì vướng mắc mà ách tắc lâu thế?” -ông Thể nói: “Chúng tôi sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội trong tháng Tư, đến cuối tháng Tư có thể vận hành thương mại!”.
Cần nhắc lại đây không phải lần đầu Bộ GTVT, mà cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra một cái mốc cho việc đưa tuyến đường sắt trên cao này vào khai thác thương mại. Gần đây nhất là lời hứa như đinh đóng cột sẽ đưa tuyến đường sắt này vào vận hành đúng dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Có lẽ người dân vì quá bão hòa với những lần lỡ hẹn của tuyến đường sắt này nên không mấy phản ứng khi lời hứa đó không được thực hiện, dù đó là cái mốc thời gian đầy ý nghĩa. Và có lẽ cũng bởi vậy nên khi ông Bộ trưởng đưa ra cái hẹn sẽ bàn giao sớm để đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại trong tháng 4/2021 này người dân cũng không mấy quan tâm.

Người dân có thể không quan tâm, nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội không thể như vậy. Cũng tại hội nghị nói trên, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết sẵn sàng tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT theo đúng quy trình, quy định khi đã đủ điều kiện vận hành khai thác và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,1km với 12 nhà ga. Để tăng cường hoạt động kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT xây dựng, triển khai phương án điều chỉnh để đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Theo phương án được đề xuất, sẽ bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa hai điểm khoảng 400m.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện có 51 tuyến xe buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chiếm gần 40% của toàn mạng lưới. Tuy nhiên, việc phân bổ dọc tuyến lại không đều, tập trung chủ yếu trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông), trong khi các ga nằm sâu trong nội đô như ga Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh… số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối. Sau khi thực hiện phương án kết nối sẽ tăng lên 59 tuyến, trong đó bổ sung 8 tuyến kết nối với ga Cát Linh và 1 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa.

Như vậy, có thể nói, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận bàn giao và đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Vấn đề còn lại là ở phía Bộ GTVT, làm sao để phối hợp thực hiện công tác bàn giao mà điều kiện tiên quyết là phải thực hiện nghiêm, rốt ráo các khuyến nghị của đơn vị tư vấn ACT tại chứng nhận kiểm tra được phát hành tháng 1/2021, đặc biệt là các khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.

Tại hội nghị nói trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các đơn vị liên quan cần xem xét vận hành thương mại sớm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc nhở: Hứa rồi để kéo dài mãi là không được!

Dư luận rất hoan nghênh sự nhắc nhở của Phó Thủ tướng Thường trực. Quả là không thể cứ hứa mãi. Còn nửa tháng nữa mới hết tháng Tư. Hy vọng với những động thái tích cực cả từ hai phía, Bộ GTVT và TP Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác thương mại trong tháng Tư, không thêm một lần lỡ hẹn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần