Không thể cứ vô tư

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Những ngày gần đây, giới kinh doanh di động tại Việt Nam đang xôn xao về việc đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam là Công ty Võ Trần (VOTRA) gửi thư cảnh báo đến hàng loạt cửa hàng bán các sản phẩm xách tay có hình “quả táo cắn dở” yêu cầu dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu này nếu không được phép của chủ sở hữu, việc làm này là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt tên gọi quen thuộc như “Apple Store”, “App Store”, “iPad”, “iPod” hay “MacBook” vẫn được nhiều cửa hàng tự ý trưng trên biển hiệu sẽ phải dỡ bỏ nếu không được hãng công nghệ này ủy quyền, do những thương hiệu này đều đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa

Trước đó, trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, nhiều điện thoại Apple xách tay ở Việt Nam xuất hiện dòng chữ "thiết bị không xác định", khiến những chiếc iPhone giá cả triệu, thậm chí cả chục triệu đồng không thể… nhắn tin, gọi điện. Đây không phải là lần đầu các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay tại Việt Nam gặp lỗi khóa máy mà nguyên nhân chính yếu được xác định là do vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Cũng như nhiều mặt hàng khác, mặc dù nhiều chủ cửa hàng biết làm việc này khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người vẫn làm. Thói quen làm ăn manh mún, buôn bán nhỏ lẻ, thiếu đầu tư nghiêm túc vào yếu tố thương hiệu cũng như tuân thủ bản quyền, tác quyền đã ăn sâu vào cách nghĩ của nhiều người. Ở phía ngược lại, phần đông người dân vẫn có thói quen mua hàng có thương hiệu nhưng giá rẻ nên ngay cả khi biết là vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua.

Mặc dù biết đó là thói quen nhưng những thói quen này rất cần sớm thay đổi khi Việt Nam đã vào hội nhập sâu, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định mới, vi phạm trên lĩnh vực này ở mức nghiêm trọng ngoài bị phạt tiền, thậm chí lên đến cả tỷ đồng, cá nhân, đơn vị vi phạm còn có thể bị truy tố hình sự, phạt tù. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mua chiếc điện thoại từ nước ngoài, mang về để “bẻ khóa”; mua laptop chính hãng, thay vì mua phần mềm cài đặt của Microsoft khoảng 1,8 - 2 triệu đồng lại “dấm dúi” mang ra ngoài thuê cài phần mềm lậu với chi phí khoảng 100.000 - 200.000 đồng…; rồi rất nhiều mặt hàng vi phạm nhãn mác khác, người tiêu dùng buộc phải cân nhắc để bảo đảm quyền lợi của mình cũng như tránh việc vi phạm pháp luật.

Cũng như việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua, thói quen cũ có thể rất khó thay đổi trong một sớm, một chiều, song không thể vì thế mà không làm vì sự phát triển chung. Đất nước phát triển khó chấp nhận những đô thị, khu phố nhếch nhác cũng như nền kinh tế ngày một hội nhập sâu rộng không thể chấp nhận thói quen dùng thiết bị vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ một cách vô tư như thời gian qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần