“Không để bổ nhiệm đúng quy trình nhưng người được bổ nhiệm không xứng đáng”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại “Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành nội vụ” do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay (26/12). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thay mặt lãnh đạo Bộ cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại trong năm 2016, năm tới, ngành nội vụ sẽ triển khai 14 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó đáng chú ý, ngành sẽ nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và định hướng phát triển đất nước.
 Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Bộ Nội vụ cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống quan liêu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) trong hoạt động công vụ, nhằm xây dựng ngành nội vụ trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời, ngành sẽ tập trung triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) theo hướng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo và phát triển; tiếp tục triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 2218 của Thủ tướng về tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn và kiểm soát chặt số lượng cấp phó, biên chế...

Hội nghị đã nhận được các ý kiến tham luận của lãnh đạo Sở Nội vụ TP Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Cần Thơ, Hà Tĩnh, đại diện Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã tham luận về vấn đề địa giới hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ. Trong đó về sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Sáng khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác này đối với toàn bộ sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, đến nay không xảy ra đơn thư và được Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị khi về làm việc đã đánh giá rất cao. Trong đó đến nay, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đã giảm từ 401 còn 280 đơn vị, giảm 30,2%; các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) cấp huyện giảm từ 169 còn 66 đơn vị, giảm tới 60%; các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP giảm từ 70 còn 41 đơn vị. TP Hà Nội cũng bước đầu xác định được 10 đơn vị SNCL làm điểm chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, thuộc các ngành y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao, LĐ-TB&XH…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những cố gắng của ngành trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016, trong đó đáng chú ý đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả tốt về công tác xây dựng thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước, trợ giúp Chính phủ và Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thời gian qua, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ, CCHC, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đặt ra là rất nặng nề, nhưng với vai trò cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này, Bộ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý thời gian tới, ngành cần sớm khắc phục một số hạn chế, trong đó công tác CCHC còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu chung, nên ngành cần đẩy mạnh để CCHC thực sự là giải pháp đột phá, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững. Việc quản lý lĩnh vực tổ chức nhà nước chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới, của đất nước; tổ chức bộ máy hành chính có chỗ còn cồng kềnh, cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL chưa được đổi mới; kết quả tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Đồng thời, chất lượng đội ngũ CB, CC chưa được đánh giá chính xác và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công vụ còn những biểu hiện vi phạm chưa được chấn chỉnh kịp thời…

Nhiệm vụ ngành nội vụ ngày càng nặng nề, với tính chất và khối lượng công việc đòi hỏi các CB, CC, VC trong ngành phấn đấu nỗ lực nhiều hơn, trong đó cần tập trung xây dựng thể chế đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực mà ngành được phân công, phấn đấu xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nội vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4 khóa XII; thực hiện tinh giản biên chế đồng bộ theo tinh thần nâng cao chất lượng CB, CC. Đồng thời, Bộ cần đôn đốc triển khai đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước, phát huy vai trò cơ quan thường trực về CCHC cần tích cực cùng các bộ ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu, tăng cường ứng dụng CNTT để có giải pháp đột phá giúp Chính phủ xây dựng nền hành chính, dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả thông suốt từ T.Ư đến địa phương…

Đặc biệt nhấn mạnh về chất lượng CB, CC, Phó Thủ tưởng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành nội vụ quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng quản lý CC, VC đảm bảo đúng quy định và pháp luật. Để có giải pháp khắc phục trong lĩnh vực tuyển chọn CC, VC, ngành cần chú trọng tiêu chí công khai, minh bạch để các ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Nhất là, phải rà soát xóa bỏ các thủ tục quy trình bất hợp lý, xóa bỏ tình trạng chạy chọt trong tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công vụ giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm được dự luận quan tâm.

“Không thể để tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng thực chất người được bổ nhiệm không xứng đáng với những tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm vào các vị trí”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần