Không thể để dự án PPP kém hiệu quả mà người thẩm định lại “bình an vô sự”

Như Hương- Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng khi các dự án được thẩm duyệt lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước và nhân dân thì lại "bình an vô sự", quyền lợi thì được hưởng, khi có sự cố thì không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu của hội đồng

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa: “Điều 5 khoản 1 lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng xác định chỉ có 7 lĩnh vực là chưa cụ thể, có thừa, có thiếu. Nên chăng cần nghiên cứu kỹ lưỡng xác định lĩnh vực đầu tư cho phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta không dàn trải, có tập trung nhưng không bỏ sót lĩnh vực đầu tư có nhu cầu phát triển."
Đại biểu đề xuất giao cho Chính phủ quy định các lĩnh vực đầu tư để phù hợp và linh động kêu gọi đầu tư. Khoản 2 cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ quy mô đầu tư của dự án quy định là 200 tỷ trở lên sao không dưới 200 tỷ và có phân tích cụ thể để mang tính thuyết phục vì có những địa phương có khó khăn đặc biệt về điều kiện kinh tế, đặc thù của của mỗi vùng cần có những dự án dưới 200 tỷ để đầu tư. Tất nhiên, phải có mức tối thiểu để không có sự dàn trải.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa: "Điều 5 thành lập Hội đồng thẩm định dự án là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải tính tới các thành viên của Hội đồng, ngoài quyền lợi phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên khi các dự án được thẩm duyệt lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước và nhân dân thì lại "bình an vô sự". Quyền lợi thì được hưởng, khi có sự cố thì không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu của hội đồng."
Đại biểu dẫn chứng, thực tế đã không ít những dự án đã gây thiệt hại cho nhà nước mà người thẩm định lại vô can. Ngoài ra cũng cần làm rõ khoản 2 Điều 6 quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án là cần thiết. Tuy nhiên, cân nhắc trường hợp Hội đồng thẩm định thuê hay để cho cơ quan quản lý nhà nước thuê của các dự án để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là sân sau của Hội đồng các dự án không nhất thiết phải thuê tư vấn để hỗ trợ để làm tăng chi phí thẩm định vì đã có Hội đồng thẩm định rồi.
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Về quyền lợi, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo Điều 13 là rất quan trọng, có hiệu quả cao hay không và mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, cho người dân hay ngược lại hậu quả khó lường. Cho nên chủ thể quyết định chủ trương đầu tư cần phải thận trọng, khách quan, đặt lợi ích quốc gia và người dân là trên hết. "Tôi đồng tình như dự thảo luật giao cho tổ chức, cơ quan, người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cũng cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư và tách bạch từng loại dự án thuộc thẩm quyền của ai phê duyệt." - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Điều 23 thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tôi đề nghị bổ sung thêm tổ chức, cơ quan, cá nhân nào tham mưu trình đề nghị cấp thẩm quyền phê duyệt tùy theo từng lĩnh vực đầu tư cho rõ trách nhiệm. Khi có sự cố xảy ra có người chịu trách nhiệm làm tham mưu sai.
Điều 27 điều kiện và đề xuất dự án của nhà đầu tư. Khoản 2 quy định dự án nhà đầu tư đề xuất phải tổ chức đấu thầu rộng rãi. Quy định như vậy nghe qua là công khai, minh bạch, nhưng thực tế thời gian qua, các dự án do nhà đầu tư đề xuất hầu hết đều trúng thầu. Quy định như vậy có khả thi không?

Về lựa chọn nhà đầu tư của Chương III đấu thầu, chỉ định thầu, giao thầu, phương pháp, tôi cho rằng các dự án có hiệu quả hay không thì công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng, bằng nhiều biện pháp và luật pháp cho phép. Thực tiễn, các dự án mà cấp thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính về quyết định của mình, chỉ định thầu, đấu thầu là hình thức thẩm định nhà đầu tư có nguồn lực hay không, cho nên việc công khai, minh bạch, công tâm, không sân sau, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật.

Về lập doanh nghiệp dự án của Chương IV tại Điều 39, tôi tán thành sau khi có quyết định phê duyệt dự án, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có mục đích duy nhất là để thực hiện dự án. Doanh nghiệp này hoạt động có tính đặc thù riêng và có sự đảm bảo của chính quyền về hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án quan trọng để có thể hạn chế rủi ro nên doanh nghiệp này chỉ có nhiệm vụ duy nhất là thực hiện khai thác dự án mình đã ký kết. Nếu như cách áp dụng dự luật được kinh doanh các dự án khác sẽ không tập trung đầu tư vào dự án, có thể sẽ hiệu quả không cao, cũng có thể tiêu cực.
Điều 40 phân loại hợp đồng PPP cho từng lĩnh vực như dự thảo luật là phù hợp. Tuy nhiên, từng loại hợp đồng có tính chất và thực hiện khác nhau giữa các bên có liên quan để dự án có tính khả thi, hiệu quả đầu tư công khai, minh bạch, khắc phục hiệu quả, tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước, tài sản và hài hòa lợi ích đôi bên. Cho nên cần làm rõ về quyền và nghĩa vụ có liên quan.
Về nguồn vốn thực hiện dự án tại Chương VI, theo dự luật rất là cần thiết, tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư theo hợp đồng. Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác, nếu là tài sản khác phải tính bằng giá trị theo cơ chế thị trường chứ không phải như thời gian qua góp vốn của nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT ở những khu đất vàng, còn nhận lại công trình nhà đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công, dư luận không tốt, vốn ngân sách nhà nước được thực hiện trong các lĩnh vực rất cụ thể và chịu sự chế tài của cơ quan thanh tra, kiểm toán như vậy cũng thuận lợi cho nhà đầu tư không chịu sự thanh tra, kiểm toán phần vốn của mình, gây trở ngại cho nhà đầu tư và sẽ e ngại khi tham gia vào các dự án PPP.
Về bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án theo Điều 76 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu và tin tưởng của nhà đầu tư yên tâm không sợ mất vốn. Tuy nhiên, chỉ duy nhất các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, không tràn lan dự án nào cũng bảo lãnh, nhằm đảm bảo an toàn nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng đầu tư để tránh rủi ro, cấp thẩm quyền phê duyệt dự án không có bảo lãnh của Chính phủ cũng thận trọng, chủ động nguồn vốn của mình khi tham gia dự án, không ỷ lại vào sự bảo lãnh của Chính phủ các dự án nào cũng muốn đầu tư.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu Điều 77 là cần thiết, để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là có ăn, có chịu, công tư phân minh, hài hòa lợi ích, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi bên trong thực hiện dự án, nhưng cũng cần làm rõ là do khách quan hay chủ quan. Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán vào cuộc để xác định rủi ro và đề xuất xử lý trách nhiệm của đôi bên. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần