Không thể đứng ngoài xu hướng

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/12/2017, kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã xem xét nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP giai đoạn 2016 – 2020.

Tức là lần đầu tiên cơ quan quyền lực cao nhất của TP nhất trí hướng việc xây dựng Hà Nội thành một Thành phố thông minh, như 10 thành phố của Việt Nam và như bao thành phố khác trên thế giới đang làm.
 Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet
Thành phố thông minh (Smart city) có thể còn khá xa lạ với nhiều người nhưng ta có thể hình dung nó như cơ thể một con người, có dây thần kinh, não bộ, giác quan và hệ ý thức, tư tưởng tích hợp và có ảnh hưởng hai chiều, tác động lẫn nhau, bao gồm: Quản lý - tổ chức: chính quyền phải là chính quyền điện tử, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.Công nghệ: các dịch vụ và hạ tầng được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh; Cộng đồng dân cư: Chủ thể chính của Smart City, là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí phối hợp hỗ trợ quản lý TP….Nền kinh tế thông minh sẽ là động lực chính để xây dựng hạ tầng hướng đến chất lượng phát triển mang tính bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, cũng như chống chọi tốt với các tác nhân gây nên biến đổi môi trường tự nhiên.

Thực tế phát triển Thành phố thông minh đã và đang là xu thế. Ở đó, hệ thống cảm biến trong điều khiển đèn đường bảo đảmcác nút đèn điều khiển giao thông tiết kiệm năng lượng, nhân lực điều khiển, đồng bộ và chính xác hơn;Dùng xe taxi công nghệ cao; Dùng mã số định danh cá nhân thống nhất trong toàn quốc thay vì phải mang sổ hộ khẩu và 20 loại giấy tờ khác mỗi khi cần gặp chính quyền; Sử dụng công nghệ số trong thương mại điện tử, với một máy điện thoại di động có thể mua bán, không cần đến các cửa hàng, siêu thị;Xây dựng các ngôi nhà, các căn hộ thông minh, điều khiển các thiết bị trong gia đình bằng sóng wifi… Đặc diểm của Thành phỗ thông minh là tích hợp với nhau thành hệ thống, không rời rạc lẻ tẻ. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống thông minh trong giao thông, du lịch, an ninh trật tự, môi trường, đời sống, thương mại… trong một hệ thống thống nhất không chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau. Nhưng từ đây đến đó còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự phấn đấu cao độ của mỗi người.

Trước hết là vốn, để có một Thành phố thông minh cần một số vốn rất lớn, trong khi ngân sách còn eo hẹp. Xây dựng một Thành phố thông minh có nghĩa là chúng ta thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, mà cách mạng công nghiệp 4.0 là phát triển, là bình đẳng, không thể vay với lãi suất ưu đãi, nhiều ân hạn trong khi các nước trên thế giới cũng cần vốn để phát triển. Tiếp đến là thực tế nền kinh tế trong nước còn manh mún, lạc hậu. Sự manh mún, lạc hậu đó ăn sâu vào nếp sống, tư tưởng, văn hóa của toàn xã hội, thành tư tưởng cục bộ. Trong khi xây dựng Thành phố thông minh, rất cần sự thống nhất, hòa đồng. Còn rất nhiều rào cản nữa,trong đó có cả những thách thức chung và lâu dài cho các TP ở Việt Nam, chẳng hạn hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, năng suất và chất lượng lao động thấp, tiềm lực kinh tế còn yếu so với khu vực, năng lực quản trị quốc gia bao gồm qui hoạch, xây dựng chiến lược còn hạn chế, năng lực công nghệ thấp cả trong phương diện trí tuệ nhân tạo, cốt lõi để xây dựng Thành phố thông minh…

Tuy nhiên, không vì khó mà không làm. Chủ trương xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội là để cuộc sống người dân tốt hơn, và đó là xu hướng và Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc.