Không thể không điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách tại Hà Nội

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, cùng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan đã có cuộc họp, đối thoại với một số DN vận tải thuộc diện điều chuyển luồng tuyến từ ngày 2/1 vừa qua.

Do nhiều DN đang hoạt động kinh doanh trên một số tuyến từ Hà Nội đi: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... hiện vẫn còn ý kiến phản đối chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh (VTKLT) vừa qua nên các cấp, ngành chức năng đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, đợt điều chuyển luồng tuyến vận tải ngày 2/1 vừa qua đã đạt kết quả tốt, gần 100% lượng xe đã được sắp xếp lại theo đúng quy hoạch và chủ trương của TP theo hướng ưu tiên giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) trên tuyến Vành đai 3 và các khu vực trong trung tâm TP.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại cuộc họp.
“Trước và trong suốt quá trình điều chuyển, kể cả đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều cuộc đối thoại với các DN, nhiều văn bản thông báo, hướng dẫn DN thực hiện và tạo mọi điều kiện để việc điều chuyển diễn ra thuận lợi, đúng mục đích, yêu cầu. Tất cả những kiến nghị của DN Sở đã tiếp nhận và trả lời một cách minh bạch, rõ ràng” - ông Quang Khẳng định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN vẫn không đồng thuận với chủ trương điều

"Bến xe Nước Ngầm lấy tiền dịch vụ 2 lần cho thời gian đỗ chờ là không đúng, gây khó khăn, bức xúc cho DN. Bên cạnh đó phải tìm cho ra và giải quyết bằng được nguyên nhân khiến Bến xe Nước Ngầm vắng khách. Nhưng việc điều chuyển xe trở lại Bến xe Mỹ Đình là không khả thi".

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

 chuyển luồng tuyến. Ông Nguyễn Văn Thạc - Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Nam Định chia sẻ, chúng tôi thống nhất với chủ trương điều chuyển của TP Hà Nội, Sở GTVT Nam Định cũng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các DN xây dựng phương án chấp hành việc điều chuyển. “Nhưng các DN nhận thấy việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho hành khách, thiệt hại cho DN. Cụ thể có DN thua lỗ đến 325 triệu đồng/tháng” - ông Thạc nói.
Sau khi lắng nghe các câu hỏi, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trả lời, giải quyết UTGT cho TP Hà Nội là chủ trương lớn không chỉ cho Hà Nội mà còn có ý nghĩa với sự phát triển chung của cả nước. Để giải quyết UTGT cho Hà Nội thì phải triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp, trong đó có việc quy hoạch, sắp xếp lại luồng tuyến VTKLT trên địa bàn TP nhằm hạn chế một số loại phương tiện trên những tuyến đường trọng điểm.
“Theo Quyết định 2288/QĐ - BGTVT thì việc điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến VTKLT sẽ được thực hiện 6 tháng/lần, vào các thời điểm 31/6 hoặc 31/12, do đó thời điểm điều chuyển luồng tuyến vừa qua là hoàn toàn phù hợp với quy định” - ông Viện khẳng định.
Tuy nhiên, ông Viện nhìn nhận rằng, hiện các DN thuộc diện điều chuyển vẫn còn gặp nhiều khó khăn do: Khách chưa quen luồng tuyến; hệ thống xe buýt kết nối với Bến xe Nước Ngầm chưa đầy đủ; hiện tượng xe “dù”, bến “cóc” vẫn còn diễn biến phức tạp...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho hay, Bộ và TP rất chia sẻ với những khó khăn của DN. “Chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của DN, chúng tôi sẽ tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp. Tôi xin hứa, tất cả những ý kiến này sẽ được trả lời đầy đủ sau khi báo cáo Thủ tướng vào ngày 10/3 tới” - ông Trường nói.
Ông Trường cũng khẳng định, việc điều chuyển luồng tuyến, đặc biệt là tại Bến xe Mỹ Đình là cần thiết, không thể không làm vì bến xe này đã quá tải từ lâu, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông khu vực và cả TP. Chính Thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý nhanh việc điều chuyển để hạn chế tối đa tình trạng ún ứ khách tại các bến xe, đặc biệt là Bến Mỹ Đình.