Không thể mạnh ai nấy làm

Gia Tuấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và phát triển đô thị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống quy hoạch ở Việt Nam luôn đi sau thực tiễn.

Không ít bản quy hoạch theo kiểu mạnh ai, nấy làm. Hệ quả thời sự nhất là các dự án “treo”, dẫn tới nhiều quỹ nhà tái định cư (TĐC) đi kèm bị bỏ trống.
Quốc hội cũng vừa thảo luận những nội dung xoay quanh Dự án Luật Quy hoạch. Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức xây dựng một luật khung về vấn đề quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề chồng chéo trong công tác quy hoạch hiện nay?

- Quy hoạch hiện vẫn phổ biến nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cấp làm. Do đó cần thống nhất lại trong một hệ thống có thứ bậc và phân công, phân cấp rõ ràng. Nhu cầu đó yêu cầu một luật khung để xác định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm những gì. Còn những gì ngoài hệ thống đó, vẫn có thể làm, tùy theo nhu cầu, hạn định quy hoạch của DN. Luật Quy hoạch là quy hoạch công. Tức là quy hoạch cho các hoạt động cũng như chỉ đạo của Nhà nước. Sử dụng kinh phí của Nhà nước để lập ra. Vấn đề tiếp theo luật khung xác định là quy trình trình tự thủ tục lập, thực hiện và giám sát quy hoạch.

Về nội dung và hình thức, dự thảo đã thể hiện khá đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch của nước ta. Tuy nhiên, về cơ cấu của luật thì có một vài vấn đề chưa hợp lý. Cụ thể, việc đưa các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia vào Chương trình lập quy hoạch. Xác định hệ thống quy hoạch là một mục tiêu chủ yếu của luật, vì vậy nên hình thành một chương riêng, còn lập quy hoạch chỉ là một khâu trong quy trình quy hoạch. Ngoài ra, nên gọi hệ thống quy hoạch là hệ thống quốc gia để làm nổi bật vai trò quan trọng của Quốc hội đối với lĩnh vực quy hoạch. Cách gọi như vậy cũng là đúng với thông lệ quốc tế.

Liệu Dự án Luật Quy hoạch có đạt được kỳ vọng khắc phục được thực tế yếu kém của chất lượng quy hoạch không khi có tới 32 luật khác phải thay đổi theo luật này?

- Khi một luật ra đời thì những luật khác xung đột với luật đó là khó tránh khỏi. Chúng ta đã thống nhất phải chấn chỉnh lại công tác quy hoạch. Chính vì vậy, khi ra Luật Quy hoạch cần điều chỉnh các luật khác là tất yếu. Trong 32 Luật cần điều chỉnh có những luật chỉ cần bỏ một mục nhỏ hoặc sửa những điều liên quan đến công tác quy hoạch chứ không phải bỏ hoàn toàn luật đó. Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, vì thế quy hoạch ở các lĩnh vực cũng cần được lập lại. Những quy định cũ về quy hoạch đã không còn phù hợp với nền kinh tế mới.

Theo ông, cần làm quy hoạch như thế nào để bỏ tư duy “phục tùng”?

- Tư duy trong quy hoạch trước đây chủ yếu theo dạng ngành nào làm của ngành nấy, còn phối hợp lại rất kém. Tính thứ bậc trong quy hoạch cũng xuất hiện trong tư duy cũ, quy hoạch bậc thấp thường phải thể hiện sự phục tùng đối với quy hoạch bậc cao. Vì thế, công tác quy hoạch hiện nay cần được thiết lập lại trật tự bằng cách xác định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm những ngành gì, cấp gì… Đó là sự thay đổi tư duy quan trọng nhất về quy hoạch.

Quy hoạch ngày nay cần quy hoạch tích hợp chứ không thể là những quy hoạch riêng rẽ theo từng lĩnh vực, từng địa phương. Đây là xu thế các nước phát triển đã tiến đến và Việt Nam nên tiếp thu để thay đổi về quy hoạch. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc thay đổi quy hoạch trong sản xuất. Quy hoạch này vẫn ảnh hưởng theo tư duy quản lý Nhà nước thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong khi Việt Nam hiện đang theo kinh tế thị trường.

Xin cảm ơn ông!