Không thể thiếu điểm sàn nếu vẫn thi “ba chung”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi "ba chung" đến hết năm 2016 thì phải bỏ điểm sàn và công bố chuẩn quốc gia về đầu vào ĐH nhằm giúp các trường tự chủ tuyển sinh.

Đề xuất này của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập "vấp" phải phản ứng của nhiều trường, trong đó có cả trường thành viên của Hiệp hội.  

Tiền đề quan trọng

Theo Hiệp hội, ưu điểm của kỳ thi "ba chung" là tạo sự công bằng, nhưng quy định điểm sàn là không đúng, bởi chuẩn tối thiểu vào ĐH là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Song, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các trường ĐH không đồng tình, bởi đã thi thì phải có điểm sàn, nhất là trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới gần 100%. Ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phân tích, chẳng hạn các trường ĐH nhận được 1,3 triệu hồ sơ đăng ký dự thi, nếu trừ đi số "ảo" chỉ còn 1 triệu học sinh muốn vào học ĐH, nhưng chỉ tiêu chỉ 700.000 - 800.000 thì cần phải có điểm sàn làm căn cứ xét chọn. Hơn nữa, chất lượng giáo dục phổ thông giữa các trường, các vùng không đồng đều, nên rất cần có chuẩn cho đầu vào ĐH. 
Ôn bài trước khi kiểm tra của sinh viên trường Đại học Hà Nội.Ảnh:  Viết Thành
Ôn bài trước khi kiểm tra của sinh viên trường Đại học Hà Nội.Ảnh: Viết Thành
Tuy nhiên, một số hiệu trưởng trường ngoài công lập lại cho rằng, những năm trước một số em thi trượt ĐH được gia đình cho ra nước ngoài du học vẫn đạt kết quả tốt. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định điều này. Nghĩa là học sinh có sàn kiến thức phổ thông đủ khả năng theo học ĐH. Hơn nữa, đầu vào là một yếu tố, còn đầu ra phụ thuộc vào động lực học, phương pháp dạy - học của thầy và trò. Song có lẽ ở quan điểm này thiếu sự phân biệt rành mạch giữa trượt ĐH và dưới điểm sàn. Là bởi có những em đạt 17 - 18 điểm không đỗ vào trường ĐH top trên, ra nước ngoài học tốt là bình thường; còn chỉ đạt 7 - 8 điểm rất khó để tiếp thu chương trình học CĐ thì không thể du học.

Ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, cũng cho rằng, điểm sàn là cần thiết khi thi "ba chung" bởi là ngưỡng nhất định để học sinh theo học ĐH, nếu không, các trường khó tuyển sinh sẽ "vơ vét" người học, không quan tâm đến chất lượng, phương pháp đào tạo. "Đầu vào chỉ là tiền đề, nhưng rất quan trọng. "Có bột mới gột nên hồ", khi nguyên liệu xấu không thể chế biến được món ăn ngon. Do đó, thi "ba chung" vẫn phải có ngưỡng nhất định để đảm bảo lợi ích người học cũng như đối với xã hội. Nếu không có điểm sàn, cứ nhận học sinh vào đào tạo sẽ gây tốn kém để rồi cho ra xã hội sản phẩm không đảm bảo chất lượng" - ông Dũng thẳng thắn.

Rất khó có chuẩn đầu vào

Trong văn bản góp ý gửi Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị Bộ công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH (chuẩn quốc gia). Tất cả những thí sinh đạt chuẩn này đều đủ điều kiện để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục ĐH, còn các điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể, các trường tự quyết định. Ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, rất nhiều trường ĐH nước ngoài chọn chuẩn đầu vào là bằng tốt nghiệp THPT. Và trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước có thể đưa ra quy định về chuẩn đầu vào đối với một số trường công lập cụ thể.

Về chuẩn đầu vào tối thiểu giáo dục ĐH, nhiều người băn khoăn bởi hiện cả nước có gần 500 trường ĐH, CĐ, mỗi trường có một đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT sẽ ra tiêu chí chung thế nào? Có chuẩn đầu vào ĐH rất hay, nhưng đề nghị sớm ra chuẩn sẽ rất khó. Băn khoăn còn ở chuẩn định tính hay định lượng? Ví dụ, tốt nghiệp THPT phải đạt bao nhiêu điểm, học lực trung bình thế nào, trình độ ngoại ngữ ra sao? Hiện việc đánh giá kết quả học tập ở phổ thông  mỗi trường một khác; chấm điểm phụ thuộc vào đề thi, giáo viên. Điều này dẫn đến có em giỏi ở trường này sang trường khác lại không được như vậy.

Hiện ở Mỹ, hàng năm đều tổ chức các cuộc thi sát hạch đánh giá khách quan kỹ năng mang tính toàn cầu được coi là chuẩn tin cậy. Với điều kiện của ta, sau này có thể làm theo hướng xây dựng trung tâm khảo thí uy tín, độc lập đánh giá năng lực và kỹ năng của học sinh. Trên cơ sở kết quả đó, các trường tuyển sinh dựa vào đăng ký của thí sinh thay vì tổ chức thi riêng và chuẩn quốc gia.