Không thể tiếp tục mỗi đơn vị nhiều người đứng đầu, nhiều người chịu trách nhiệm

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (3/5), Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính Nhà nước”, do PGS-TS. Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì.

Tại đây, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, rất nhiều quy định của của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) đã được ban hành. Trong đó, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức đang được sửa đổi, sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế trách nhiệm chung của người đứng đầu chưa được thực thi thật tốt; ngay từ người đứng đầu cấp sở đã né tránh, cấp phó phải đứng ra xử lý các sự việc xảy ra, tức là tại nhiều đơn vị đổ trách nhiệm cho cấp phó. Vì vậy thời gian tới, các ý kiến sẽ được Bộ Nội vụ tiếp thu để khi Nhà nước ban hành quy định pháp luật liên quan, trách nhiệm này sẽ được cụ thể hơn.
 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường chủ trì Hội thảo.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu luôn được coi trọng, ngày càng được thể chế hóa cả ở định hướng chính trị của Đảng và các quy định pháp luật của Nhà nước. Trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng làm việc của người đứng đầu rõ nhất là ở tầm vĩ mô như vị trí của các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh đã thể hiện nhiều mặt tích cực, góp phần không nhỏ vào xây dựng, thực thi chính sách, quản trị các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dù vậy, các ý kiến cho rằng về vị trí, vai trò của người đứng đầu ở nước ta chưa được quy định thật rõ ràng, nhất là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu có vi phạm còn có tình trạng nể nang, né tránh. Yêu cầu là người đứng đầu cần nắm chắc và làm đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, nên các văn bản pháp lý tới đây cần được xây dựng làm sao quy định rõ trách nhiệm, xử phạt thế nào để người đứng đầu làm tròn trách nhiệm của mình.
Trong đó, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đề nghị áp dụng mô hình “2 trong 1”: Người đứng đầu cơ quan Đảng một cấp chính quyền địa phương phải kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu hành chính. Đó chính là biểu hiện sứ mệnh chịu trách nhiệm trước Nhân dân của Đảng đã ghi trong Hiến pháp, khác với việc kiêm vị trí chủ tịch hội đồng.
“Hãy để Nhân dân, mà đại diện là hội đồng đánh giá năng lực của lãnh đạo đảng và chính quyền điều hành. Điều này xuất phát từ cơ chế Nhân dân ủy quyền cho HĐND kiểm tra, giám sát hoạt động chính quyền, kiểm tra tính chịu trách nhiệm trước Nhân dân của Đảng”, GS. Nguyễn Hữu Khiển nêu rõ.
Còn GS.TS Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII thì cho rằng, cần rà soát vị trí, vai trò của người đứng đầu hiện nay ra sao, và việc thực hiện trách nhiệm này ở Việt Nam thế nào. Mỗi cấp hành chính, mỗi đơn vị phải quy định rõ chỉ một người đứng đầu; không thể tiếp tục tình trạng mỗi đơn vị có nhiều người đứng đầu, nhiều người chịu trách nhiệm như hiện nay. Người đó phải là người chịu trách nhiệm chính về tổ chức hoạt động của cơ quan mình. Từ chỗ xác định vị trí, vai trò thì mới xác định được chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu trong cơ quan đó, đã phân công rõ ràng chưa. “Hiện cứ dự án từ 5 tỷ đồng trở lên thì phải thường vụ tỉnh ủy quyết định, còn dưới 5 tỷ đồng thì từ chủ tịch UBND tỉnh trở xuống mới được quyết định - tức là quyền hạn và trách nhiệm về kinh tế, chính trị vẫn lẫn lộn nhau”, ông Phan Trung Lý nói.
 Các ý kiến tham luận tại Hội thảo.
Đáng chú ý, PGS.TS Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cần xác định đầy đủ các hình thức trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN, từ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm kinh tế đến đạo đức, văn hóa, hình sự và các loại trách nhiệm pháp lý khác. Đặc biệt, phải quy định từ chức là hình thức trách nhiệm chính trị, đạo đức, văn hóa cao nhất của người đứng đầu; kèm theo quy định cụ thể về văn hóa từ chức của người đứng đầu. Nếu người này không làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước Nhà nước, trước Nhân dân thì phải từ chức.
Giám đốc Sở Nội vụ Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng đề xuất, để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, trước hết nên phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý Nhà nước; một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết hoặc chủ trì giải quyết và chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết. Song song đó, cần phân cấp mạnh mẽ hơn thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu, trong đó có cấp phó được phân công giúp người đứng đầu phụ trách một lĩnh vực và cũng phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu.