Khu công nghiệp Nam Thăng Long: Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đường “chính ngạch”

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần nhà xa ngõ, dù cách không xa 2 trục đường chính là Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt kéo dài, vì chưa “thông” được, nên dù ở vị trí khá đắc địa, nhưng chỉ có một con đường nhỏ như… đường làng, vừa chật chội, vừa xuống cấp vào Khu công nghiệp (KCN) Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm).

Đã hơn chục năm qua, các DN chỉ biết “khóc đứng khóc ngồi” để chờ một đường đi “chính ngạch”.
10 năm chưa được một đường
Đi qua Cống Chèm, chúng tôi hỏi đường vào KCN Nam Thăng Long và được chỉ vào một con đường nhỏ ngoắt ngoéo từ đê xuống. Không thể tin được đây lại là đường chính cho cả KCN: Xuống cấp, chật chội, 2 xe ô tô con tránh nhau còn khó, nói gì đến xe tải. Đặt vấn đề này với ông Vũ Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng Hiệp hội Công thương Hà Nội, chủ đầu tư KCN Nam Thăng Long, ông Việt nói: “Chúng tôi quá bức xúc vì KCN đã hoàn thiện xong hạ tầng từ năm 2006, các DN đã vào, nhưng đến nay, qua hơn 10 năm, kết nối ngoài hàng rào chưa thực hiện được tuyến nào, hiện vẫn phải đi nhờ vào đường dân sinh. Có DN đã thuê đất nhưng không dám đầu tư, vì đầu tư là thiệt hại bởi giao thông khó khăn, đi lại vòng vèo. DN sản xuất nên container phải ra vào thường xuyên, mà đi vào đường dân sinh lại bị phạt, suốt ngày phải lo xin xỏ”.

Đường vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long vừa nhỏ hẹp, vừa xuống cấp.    Ảnh: Trần Thảo

Trong khi đó, theo quy hoạch, tại khu vực này sẽ xây dựng 3 tuyến đường lớn rộng từ 40 - 60m, nối từ các tuyến quốc lộ, các tuyến đường vành đai của TP vào KCN, gồm các đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến KCN, Phạm Văn Ðồng - Cổ Nhuế - KCN và đường nối từ đường 32 đoạn từ cầu Diễn qua sông Ðăm đến phía Nam KCN, phục vụ sản xuất kinh doanh của các DN.
Cần “thông” một tuyến hoàn chỉnh
Chia sẻ với nỗi bức xúc này, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh Ngô Thị Tính cho biết: Từ khi hoạt động đến nay, xe của DN toàn phải đi nhờ đường của phường, mỗi lần nhập hàng, đưa hàng phải đi lại vòng vèo, rất khó khăn. Ở đây đều là công ty sản xuất mà phải hạn chế dùng xe tải hạng nặng quả là thiệt thòi. Lãnh đạo một DN khác (đề nghị không nêu tên) thở dài: “Cứ mỗi lần dẫn đối tác đến thăm quan cơ sở lại thấy xấu hổ vì đường sá chán quá, ai đời đường vào cả một KCN quy mô như thế này mà lại bé cỏn con, đầy ổ voi, vừa chật chội, vừa nhếch nhác, trâu bò còn phóng uế đầy ra. Biết bao giờ chúng tôi mới có một con đường hoàn chỉnh để hoạt động được thuận lợi đây?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Việt cho biết: Cũng đã rất nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm mở đường cho KCN, nhưng đến nay vẫn… chờ. “Chủ DN nào thấy tôi, câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi là đường bao giờ xong” - ông Việt nói. Không chỉ Ban quản lý KCN, các DN tại đây sốt ruột, mà quận Bắc Từ Liêm cũng đã nhiều lần đề nghị có những cơ chế linh hoạt đầu tư hạ tầng giao thông khu vực này, khi mà Cụm công nghiệp Trại Gà và Cụm công nghiệp Minh Khai ở lân cận cũng đang trong tình trạng “tắc đường”. Thực tế trong những năm qua, TP cũng quan tâm đầu tư một số tuyến kết nối với KCN Nam Thăng Long, nhưng do thiếu vốn nên đường vào đây từ Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt kéo dài hay đường 32 đều khá ì ạch.
Với chính sách quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động hiện nay của TP, thiết nghĩ đề xuất của lãnh đạo Ban quản lý KCN Nam Thăng Long là chính đáng và cần sớm được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để đưa ra phương án đầu tư phù hợp, hiệu quả hơn.
 Nếu cứ giao cho quận làm một đoạn, Sở làm một đoạn, rồi Ban quản lý các KCN và khu chế xuất một đoạn thì sẽ khó mà xong được. Do đó, đề nghị TP “cởi hẳn” một tuyến cho chúng tôi, tập trung vốn “thông” cho được thay vì đầu tư dàn trải vài ba tuyến nhưng cái nào cũng dang dở, vừa lãng phí, vừa khó khăn cho DN.
Ông Vũ Hồng Việt  - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng Hiệp hội Công thương Hà Nội