Khu đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội: Cú hích từ hạ tầng tỷ đô

TS.KTS Hoàng Hữu Phê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Tây là khu vực phát triển năng động nhất Hà Nội, bởi 3 trong số 5 đô thị vệ tinh nằm trong đồ án quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, được quyết định xây dựng tại khu vực này, gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai. Với tầm quan trọng đó, giải pháp xây dựng hạ tầng kết nối với khu vực này là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công của đồ án trên.

Đường Nguyễn Xiển - Xa La phía Tây Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh
Nhiều dự án được triển khai
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối trung tâm với khu vực phía Tây của Hà Nội đã được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được hình thành, như: Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương... Bên cạnh đó, các trục giao thông chính được mở rộng, nâng cấp như tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Đại lộ Chu Văn An - Xa La; tuyến đường Vành đai 2,5 chạy qua các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ. Đặc biệt, tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài đến đường Vành đai 3 và Đại lộ Chu Văn An đã góp phần hình thành một trục đường mới từ Xa La đến trung tâm, giúp cho việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.
Những dự án hạ tầng được đầu tư với hàng tỷ đô la Mỹ đã tạo ra một cú hích lớn cho kế hoạch xây dựng khu đô thị vệ tinh phía Tây. Bất động sản là lĩnh vực ghi nhận sự cộng hưởng lớn nhất từ cú hích này. Mặc dù có những giai đoạn bấp bênh theo thị trường nhưng bất động sản tại khu vực này chỉ có thể lên chứ không thể xuống được. Nguyên do là khu vực đã và đang được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, địa hình bằng phẳng do lịch sử hình thành, khiến nơi đây sẽ luôn giữ được vị thế dẫn đầu và nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ DN cũng như người dân.
Hành lang nhân lực chất lượng cao 
Trong một chiến lược dài hạn, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một TP đa cực, một đô thị cạnh tranh sòng phẳng với các đô thị khác tại khu vực và trên thế giới. Đây chính là lý do Chính phủ đã quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô vào năm 2008.
Hai quyết định của Chính phủ liên quan đến việc phát triển đô thị phía Tây Hà Nội đặc biệt gây chú ý đối với những ai quan tâm đến việc phát triển Hà Nội thành một đô thị - Thủ đô có sức cạnh tranh cao. Đó là khởi động lại Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, tổng diện tích quy hoạch gần 1.000ha và tăng tốc độ, quy mô phát triển của một trong những thành tố chính của nền kinh tế tri thức của Hà Nội là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đây cũng là một cặp đôi địa chỉ hoàn hảo, chứa đựng hầu như đầy đủ các yếu tố vật thể và phi vật thể cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các quyết định này sẽ phối hợp hình thành một cách sắc nét tuyến phát triển đô thị dọc theo Đại lộ Thăng Long, nối liền trung tâm Hà Nội với Splendora và xa hơn nữa là cụm đô thị phía Tây bao gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đô thị vệ tinh Hòa Lạc... biến tuyến này thành một trục đô thị kết nối các khu vực có nhân lực trình độ cao đáng kể nhất trong Vùng Thủ đô.
Với tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các khu vực phát triển đô thị dọc theo Đại lộ Thăng Long, như một hành lang nhân lực chất lượng cao nối liền trung tâm Hà Nội với Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có mức tiếp cận tốt nhất với Sân bay Nội Bài từ khu vực Hòa Lạc và Splendora, với thời gian ước tính dưới 20 phút.
Đây là lợi thế đáng kể và đồng thời là một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các tài năng Viêt Nam cũng như nước ngoài. Bởi giao tiếp học thuật và công nghệ trên phạm vi toàn cầu, một điều kiện tiên quyết của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ không thể thực hiện được khi thiếu các cơ sở giao thông tiện lợi bằng đường hàng không.
Đô thị mới Splendora và ga nội đô cho hành khách đi máy bay 
Ý tưởng tạo một đô thị mới ở An Khánh (Splendora) như một TOD (Transit Oriented Development, hay đô thị dựa trên giao thông transit) đã lần đầu tiên được đề cập đến vào khoảng năm 2003 - 2005, lúc Hà Tây còn là một điểm nóng hừng hực về phát triển đô thị ngay sát nách Hà Nội. Việc thi công dự án giai đoạn I đã diễn ra trong điều kiện chuyển đổi, khi tỉnh Hà Tây trở thành một phần của Thủ đô, đặt ra yêu cầu đối với việc rà soát điều chỉnh các yếu tố liên quan đến các tiêu chuẩn và quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng công trình, theo hướng nâng cao chất lượng môi trường đô thị của TP Thủ đô.
Các yếu tố tiềm năng xuất hiện, có thể mang lại các thay đổi có tính đột phá đối với chất lượng đô thị khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt về phương diện giao thông đô thị. Sự xuất hiện của các yếu tố có tính đột phá này liên quan đến việc trong thời gian này đang có một nghiên cứu khả thi do JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) phối hợp với Bộ GTVT tiến hành về các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Trong đó có đưa ra hai đề xuất lớn về giao thông đô thị như sau: Đưa tuyến đường sắt Láng Hòa Lạc (H5) đi xuyên qua trung tâm đô thị Splendora; biến nhà ga trên điểm giao của các tuyến đường sắt đô thị H5 và H6 thành ga phục vụ trực tiếp cho khách đi máy bay dùng Sân bay Nội Bài (in-town check-in railway station).
Việc thực hiện được đề xuất thứ nhất sẽ lập tức cung cấp một khối lượng lớn khách đi tàu mà không cần phải đầu tư đường sá và các phương tiện gom khách, rút ngắn đáng kể thời gian hoàn vốn cho các dự án dùng vốn ODA và giải quyết giao thông thuận tiện cho chuỗi đô thị phía Tây. Việc này cũng đưa Splendora trở thành một điển hình của TOD, là xu hướng tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Việc thực hiện đề xuất thứ hai sẽ đưa Hà Nội trở thành một trong khoảng 9, 10 TP trên thế giới có dịch vụ tiện ích cao cho khách đi máy bay (Bangkok, Dubai, Sharjah, Hong Kong, Kuala Lumpur, New Delhi, Chennai, Seoul và mới đây là Taipei), bằng cách phối hợp sử dụng tối ưu mạng đường sắt đô thị thông qua nhà ga “in-town check-in”.
Cần nhắc lại rằng, ý tưởng in-town check-in lần đầu được sử dụng tại ga Paddington, London từ 1989. Nhà ga đặc biệt kiểu này không những chỉ giảm tải cho Sân bay Nội Bài, mà còn tạo tiện nghi cho số lượng khách đi máy bay đang gia tăng nhanh chóng hàng năm, góp phần biến chuỗi đô thị phía Tây thành một cực phát triển quan trọng của Thủ đô, với liên hệ giao thông đối ngoại đạt tiêu chuẩn cao so với các đô thị tương tự trên thế giới.
Có thể thấy rằng hiện nay, các điều kiện đã chín muồi để cho đề xuất về in-town check-in có cơ hội được thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần