Khu vực chưa đáp ứng hạ tầng, không nên cho xây cao ốc

Quân Hoàng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao ốc mọc lên tràn lan, hệ quả dẫn đến UTGT, gây bức xúc dư luận không phải là vấn đề mới của TP Hồ Chí Minh.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hòa, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Sở QH - KT về vấn đề này.
Ông nhận xét thế nào về tình trạng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, các khu chung cư mọc lên trong các khu vực đã phát triển ổn định, kéo theo một lượng lớn dân cư, làm quá tải hạ tầng, gây bức xúc trong dư luận?
- Đây là hậu quả của công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, việc đưa quy hoạch vào cuộc sống có vấn đề. Hiện nay, chúng ta có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch phát triển đô thị. Theo chiều thuận phải là phát triển hạ tầng trước xong rồi đến công trình cao tầng. Trên thực tế thì chúng ta đang làm ngược, phát triển cao ốc văn phòng, các khu chung cư vì nó đẻ ra tiền, còn làm hạ tầng thì chỉ tốn tiền… Vấn đề ở đây là vai trò điều tiết của chính quyền. Tại sao chúng ta không làm theo cách đối với những khu vực chưa đáp ứng hạ tầng thì các nhà đầu tư phải chờ 5 năm, 10 năm…, nếu các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư hạ tầng thì thời gian chờ đợi sẽ rút ngắn lại. Làm như vậy sẽ vừa giải quyết quyền lợi nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo được việc phát triển hạ tầng.
Theo ông, giải pháp nào là phù hợp cho tình hình hiện nay?
- TP Hồ Chí Minh hiện đang có hàng trăm công trình đang nằm trên giấy chờ xây dựng. Theo tôi, với những công trình này, TP nên tạm dừng không cho xây dựng. Chỉ khi nào hạ tầng đáp ứng được theo quy hoạch thì mới cho phép xây dựng. Trước đây khi giao dự án, không có các ràng buộc này, nếu bây giờ áp dụng các ràng buộc sẽ là gây khó cho các nhà đầu tư, vì vậy TP nên gặp và có thỏa thuận với họ.
Vậy, dân số có phải là một chỉ tiêu quan trọng trong quy hoạch hay chỉ để tham khảo?
- Chỉ tiêu dân số trong quy hoạch là một chỉ tiêu quan trọng, cho phép hay không cho phép xây dựng một chung cư đều phải căn cứ vào chỉ tiêu dân số. Tuy nhiên, có một thực tế, nếu cộng dân số các quận lại, chúng ta thấy đã vượt chỉ tiêu dân số mà Thủ tướng Chính phủ cho phép. Có một thực tế là có tình trạng tranh giành dân số, có chỉ tiêu tăng dân số thì sẽ còn có nhà chung cư mọc lên trong khu vực đã ổn định phát triển… Theo tôi, như đã nói ở trên, đối với những khu vực đã ổn định phát triển, cơ sở hạ tầng không có khả năng để cải thiện thì không nên tiếp tục cho phép xây dựng nhà chung cư, cao ốc văn phòng…  Còn đối với những khu vực nếu cân đối giữa nhu cầu phát triển và hiệu quả kinh tế vẫn còn cho phép thì nên cho xây dựng. Chẳng hạn, đối với những nơi đã ổn định phát triển trên mặt đất, không có điều kiện cải thiện hạ tầng thì vẫn có thể xây dựng được các tuyến tàu điện ngầm…, và chính quyền phải yêu cầu các nhà đầu tư tham gia. Ở Singapore phát triển nhà cao tầng dày đặc nhưng họ không bị rơi vào tình trạng UTGT trên mặt đất, bởi họ làm quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị tốt. Còn ở TP Hồ Chí Minh, nhà cao tầng chưa nhiều nhưng đã rơi vào tình trạng quá tải hạ tầng, UTGT. Đó là do công tác điều hành, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị còn có vấn đề.
 Xin cảm ơn ông!