Khu vực phi chính thức: Khoảng trống an toàn lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lao động trên địa bàn TP Hà Nội ở khu vực phi chính thức chiếm số lượng lớn. Mặc dù công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các cấp, các ngành quan tâm nhưng không ít người lao động (NLĐ) làm việc ở khu vực này vẫn chủ quan, chưa thực hiện đủ các quy định.

Người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức còn chủ quan không đeo khẩu trang, đội mũ bảo hộ khi làm việc. Ảnh: Trần Oanh
Người lao động còn chủ quan
Lao động ở khu vực phi chính thức (khu vực mà người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định) phần lớn có trình độ thấp, ít được qua đào tạo, công việc thiếu ổn định. Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng, việc thực hiện ATVSLĐ ở khu vực phi chính thức đang là khoảng trống. Đa phần lao động phi chính thức có nhận thức còn hạn chế dẫn đến ý thức tuân thủ quy tắc về ATVSLĐ.

Theo Phó phòng LĐTB&XH Thạch Thất Nguyễn Quyết Thắng, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, giảm 15 vụ so với năm 2019. Từ nay đến cuối năm 2020, các xã tiếp tục tập trung tuyên truyền về ATVSLĐ; Phòng LĐTB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động, Y tế huyện đi kiểm tra việc chấp hành thực hiện ATVSLĐ 10 đơn vị. Nhưng với địa bàn huyện Thạch Thất có 1.554 DN lớn nhỏ; 10 làng nghề với khoảng 24.000 NLĐ thì quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền thực hiện ATVSLĐ. Điều tiếp theo là tổ chức tập huấn; chủ sử dụng lao động phải nhận thực được việc làm tốt công tác ATVSLĐ sẽ mang lại hiệu quả và thương hiệu; NLĐ phải tự giác dùng bảo hộ lao động khi làm việc để bảo vệ mình.

Chia sẻ về việc thực hiện ATVSLĐ năm 2020, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thạch Thất Nguyễn Quyết Thắng cho biết, từ cuối tháng 1, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Kế hoạch ATVSLĐ năm 2020, đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Mới đây, UBND huyện lại có chỉ đạo các phòng (LĐTB&XH, Kinh tế, Quản lý đô thị), Liên đoàn lao động huyện, UBND xã, thị trấn tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác ATVSLĐ. “Trong tháng 7, khi dịch Covid-19 tạm ổn, chúng tôi đã tổ chức 4 lớp, tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATVSLĐ cho khoảng 520 NLĐ làm việc tại làng nghề 4 xã (Phùng Xá, Hữu Bằng, Canh Nậu, Chàng Sơn)” – ông Thắng cho hay.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Công ty TNHH Sản xuất sắt thép Phương Nam (cụm công nghiệp Phùng Xá, huyện Thạch Thất) – nơi có hơn 50 công nhân đang miệt mài làm việc bên những cỗ máy nặng hàng chục tấn, cho thấy: Hầu hết NLĐ khi làm việc đều mặc đồ bảo hộ lao động, đi găng tay; nhưng nhiều người không đeo khẩu trang và đội mũ bảo hộ. “Công ty chúng tôi có trang bị đầy đủ đồ bảo hộ theo định kỳ cho công nhân; mỗi năm tổ chức khám sức khỏe 1 lần. Sở dĩ, có lúc NLĐ không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hộ vì cảm thấy khó thở, nóng” – chị Nguyễn Thị Dung – Kế toán Công ty TNHH Sản xuất sắt thép Phương Nam nói.

Để ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm lo sức khỏe cho NLĐ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin: Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND TP cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện ATVSLĐ ở các khu vực. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tập trung quan tâm đến lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Ông Nguyễn Hồng Dân cũng nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật với những hình thức, phương diện khác nhau để nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện cho người sử dụng lao động, NLĐ ở khu vực phi chính thức; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Luật ATVSLĐ đã đưa đối tượng NLĐ ở khu vực phi chính thức vào và thực hiện được 3 năm. Tuy nhiên, qua giám sát, kiểm tra ở các địa phương cho thấy chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đơn cử, NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí, tử tuất) mà không được hưởng chính sách tai nạn lao động, ốm đau, thai sản như lao động tham gia BHXH bắt buộc. Đó cũng là lý do khiến NLĐ tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 1 – 2%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần