Khủng hoảng do Covid-19 ở Ấn Độ đe dọa toàn cầu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình khủng hoảng vì Covid-19 tại Ấn Độ không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia Nam Á mà còn ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đại dịch và phục hồi kinh tế trên thế giới.

Ngày 28/4 tiếp tục chứng kiến kỷ lục mới về số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ, với hơn 360.000 trường hợp được ghi nhận chỉ trong 24 giờ, nâng tổng số lên 18 triệu; trong khi con số thiệt mạng vì dịch bệnh đã vượt quá 200.000 người.
Kể từ ngày 22/4, Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc cao theo cấp số nhân - hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu bình dưỡng khí, giường bệnh và thuốc điều trị như Remdesivir. Và cuộc chiến dự kiến sẽ còn tiếp diễn.
 Người thân của một bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Ấn Độ khóc thương trong lễ hỏa táng. Ảnh: CNN
CNN dẫn số liệu từ mô hình tiên lượng của Viện Nghiên cứu y tế thuộc Đại học Washington cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 của Ấn Độ sẽ còn tăng cho tới ít nhất giữa tháng 5. 
Hãng phân tích Oxford Economics đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ từ 11,8% xuống còn 10,2% cho năm 2021. Hãng này nhận định các yếu tố như gánh nặng y tế ngày một lớn, tiến độ tiêm chủng chậm và thiếu chính sách xử lý hiệu quả từ chính quyền sẽ tạo ra áp lực lớn cho kinh tế Ấn Độ. Đáng nói, việc dịch bệnh hoành hành tại nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với 1,3 tỷ dân sẽ gây ra những tác động khôn lường tới toàn cầu. Phòng Thương mại Mỹ (USCC) ngày 26/4 cảnh báo tình hình dịch bệnh đáng lo ngại tại Ấn Độ sẽ gài số lùi cho nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, Phó Chủ tịch điều hành Myron Brilliant của USCC cho biết nguy cơ này là cao vì số lượng lớn DN Mỹ đang thuê hàng triệu công nhân Ấn Độ để giải quyết các công việc văn phòng của họ. Trong khi đó, số liệu từ Phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho thấy tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Ấn Độ đạt 146,1 tỷ USD trong năm 2019. Mỹ cũng chỉ là một trong số nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng kinh tế do dịch bệnh tại Ấn Độ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra dự đoán GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm nay. Dù vậy, làn sóng lây nhiễm hiện tại đang đe dọa khả năng phục hồi kinh tế của nước này vì các lệnh phong tỏa và giới nghiêm phòng dịch.
Theo trang Yahoo Finance, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến nay vẫn không muốn áp lệnh phong tỏa toàn quốc và khuyến khích các bang giữ nền kinh tế mở cửa cũng vì lẽ này. Yahoo Finance cho rằng nền kinh tế Ấn Độ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quý II/2021, kéo theo triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng y tế ảnh hưởng đến toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới hôm 27/4 cảnh báo, biến thể Covid-19 mới gây nguy hiểm tại Ấn Độ - B.1.617 hiện đang xuất hiện tại ít nhất 17 quốc gia trên thế giới, trong đó hầu hết là Mỹ, Anh và Singapore. Biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, khả năng kháng vaccine này được cho là nguyên nhân góp phần vào tình trạng khủng hoảng ở Ấn Độ và giờ đang có dấu hiệu lây lan ở các quốc gia khác.

Ramanan Laxminarayan, người sáng lập Trung tâm Động lực học, Kinh tế & Chính sách có trụ sở tại New Delhi và Washington nhận định, để kết thúc đại dịch, phục hồi kinh tế, thế giới cần đảm bảo những nền kinh tế lớn và đông dân như Ấn Độ sớm thoát khỏi đại dịch, trong đó tiêm chủng là cách duy nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần