Sắp ra mắt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, trên cơ sở hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ TT&TT trình ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
 Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, đơn vị này dự định ngay trong ngày 27/12/2019, sẽ trình Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

Cục Tin học hóa là cơ quan được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ trực tiếp soạn thảo dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Đơn vị này cho biết, sau khi được ban hành, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử, đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.

Trong cuộc họp hồi tháng 5/2018 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban quốc gia ứng dụng CNTT về xây dựng Chính phủ điện tử (nay là Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ TT&TT xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới.

Kết luận phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 20/9/2018, nhấn mạnh quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử cần có một kế hoạch tổng thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh CMCN 4.0, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tiếp đó, trong Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ đạo phát triển Chính phủ điện tử tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Đồng thời, cũng tại Nghị quyết 17, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, với yêu cầu bổ sung mô hình tham chiếu các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu quốc gia nêu trong Nghị quyết này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019.

Về tiến độ triển khai xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, theo Cục Tin học hóa, lần lượt vào ngày 30/5, 20/9 và 15/11/2019, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, với các dự thảo được chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của các bộ, ngành và của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Đề cập đến những điểm mới chủ yếu của dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0, đơn vị soạn thảo cho biết, Khung kiến trúc này được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; bổ sung các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; bổ sung định hướng phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia; bổ sung khái niệm về Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; bổ sung các mô hình tham chiếu.

Cùng với đó, dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 còn cập nhật một số nội dung về các xu thế phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…; thống nhất sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng làm hạ tầng truyền dẫn trong Chính phủ điện tử Việt Nam; bổ sung nội dung về an toàn thông tin mạng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần