Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến công đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp Hà Nội tăng 7,3% so với năm 2016. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 11%; giá trị sản xuất làng nghề ước tăng 33,33%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thủ công mỹ nghệ tăng 5,5% so với năm 2016.

Những kết quả này có sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến công TP.
Nâng cao năng lực các làng nghề

Kế hoạch khuyến công TP năm 2017 chính thức được UBND TP ban hành đầu tháng 4/2017 với 15 hoạt động. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, kết thúc năm 2017, đơn vị đã phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan triển khai được 13/15 nội dung với những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, đối với công tác truyền cấy nghề tiểu thủ công nghiệp, Sở đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 1.400 lao động nông thôn tập trung vào nghề thủ công mỹ nghệ như: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ... Kết thúc khóa học, học viên có tay nghề cơ bản làm được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều lớp học nghề, số học viên có việc làm sau đào tạo trên 85%. Cùng với đó, Sở cũng tổ chức 15 lớp tập huấn chính sách khuyến công và khởi sự DN cho 1.500 chủ DN, cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ quản lý.

Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Túc, Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt

Năm 2017, công tác hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ làng nghề vẫn được Sở Công Thương xác định là một trong những hoạt động quan trọng. TP đã hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau đầu tư, các DN đã sản xuất ổn định, góp phần tạo thêm hàng nghìn việc làm cho lao động. Xác định mẫu mã sản phẩm đang là điểm yếu của các làng nghề, nên nhiều năm trở lại đây, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất. 16 đơn vị đã được tư vấn thiết kế 106 mẫu sản phẩm mới để phục vụ thị trường năm 2018...

Tăng cường kết nối giao thương

Hoạt động xuất khẩu được coi là hướng đi sống còn của ngành thủ công mỹ nghệ TP, do đó, các hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ được đặc biệt coi trọng. Trong đó, điểm nhấn là Hội chợ quà tặng hàng Thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Gift Show 2017). “Quy mô Hội chợ ngày càng tăng, chất lượng các DN và sản phẩm tham gia được nâng cao. Nhờ đó, hội chợ được đánh giá đã tham gia được vào chuỗi hội chợ quốc tế cung ứng hàng thủ công mỹ nghệ cho các nhà nhập khẩu toàn cầu, là điểm đến thường niên của các nhà nhập khẩu uy tín” – ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương cho biết.

Năm nay, hội chợ đã thu hút 245 DN, cơ sở sản xuất trong và ngoài nước tham gia; có 12.135 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch (tăng 21,35% so với năm 2016), trong đó có 615 nhà nhập nước ngoài và 3.000 khách thương mại trong nước... Đã có 1.285 giao dịch, biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký giữa các khách tham quan hội chợ và DN. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tổ chức các DN tham gia nhiều hội chợ quốc tế trong nước như Hội chợ Lifestyle 2017; hội chợ tại Singapore, Đức, Hongkong (Trung Quốc)...
Những con số đáng mừng

Theo ông Hoàng Xuân Thủy, thực tế, chương trình khuyến công ở Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, công tác khuyến công đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của TP. Cụ thể, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,3% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt 89,475 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016; giá trị sản xuất làng nghề ước đạt 20.000 tỷ đồng, tăng 33,33% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thủ công mỹ nghệ đạt 187 triệu USD, tăng 5,5%.

Số lao động công nghiệp nông thôn năm 2017 đạt hơn 417.000 người, trong đó lao động được tạo việc làm mới thông qua hoạt động khuyến công ước đạt 10.000 người. Thu nhập bình quân của lao động đạt 47,16 triệu đồng/năm (tăng 13,07% so với năm 2016). Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10% so với năm 2017 (ước đạt 98.000 tỷ đồng). Trong đó giá trị sản xuất làng nghề tăng 10 - 12%, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,9%...

Để đạt được những mục tiêu đó, Trung tâm đã báo cáo Sở Công Thương trình UBND TP phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2018. Theo đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong các hoạt động như: Truyền, cấy nghề; tập huấn; kết nối cung cầu nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế...