Khuyến khích tăng đối thoại tại tòa

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, thảo luận về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đánh giá, đây là một cơ chế tư pháp mới, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: Duy Linh
“Việc dân sự cốt ở đôi bên”
Nhiều ĐB cho rằng, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), đối với các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua, mà điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức các thiết chế để giúp người dân hòa giải được với nhau. Phương thức hòa giải tại tòa án cần phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới. “Điều này cũng phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam, tiết kiệm cho ngân sách” – ĐB nói.
Thông qua 3 Luật về chứng khoán, kiểm toán và dự bị động viên
Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Luật đề ra 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng. Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng…
Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Lực lượng dự bị động viên, Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời, ĐB cũng dẫn chứng, để mở một phiên tòa sơ thẩm cần ít nhất 5 cán bộ tư pháp, gồm thẩm phán, các hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký tòa án, chưa kể có vụ án phải triệu tập cả giám định viên thẩm định giá, phiên dịch tham gia. Hơn nữa, ở giai đoạn thi hành án, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thi hành án xong về tiền chỉ đạt khoảng 35%; đến năm 2019 vẫn còn hơn 96.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được. Có những vụ phải huy động đến 199 cán bộ để tham gia cưỡng chế thi hành một bản án dân sự, chưa kể số lượng bản án có thời gian thi hành trên 10 năm nay vẫn chưa xong lên tới hàng nghìn. Kết quả thí điểm hòa giải tại 16 tỉnh vừa qua cho thấy đây là thiết chế hiệu quả, tiết kiệm cho cả người dân và Nhà nước, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt 78%. “Theo tính toán hiện nay, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng. Trong khi mức chi cho một vụ hòa giải chỉ 1,2 triệu đồng, tức là ít hơn 4,3 triệu đồng. Thí điểm vừa qua đã hòa giải thành công gần 40.000 vụ. Theo đó đã tiết kiệm cho ngân sách ít nhất 170 tỷ đồng” – ĐB nêu quan điểm.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), đối thoại tại tòa án là một cơ chế mới. Do đó, để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về tính hiệu quả, để Luật sớm đi vào cuộc sống và thu hút sự tham gia của đông đảo các cá nhân, cơ quan tổ chức thì trước mắt chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại là phù hợp.
Nêu thực tế người Việt Nam quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cũng nhấn mạnh, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa giải phù hợp với đạo đức, phong tục tập quán của người Việt. Với kinh nghiệm tham gia hòa giải cơ sở, ĐB cho rằng, phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án khiến mỗi cá nhân trở nên hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn.
Các ĐB cũng góp ý Dự Luật nên quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại tòa án theo hướng linh hoạt, nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm thuận lợi cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, trên cơ sở tổng kết thí điểm, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân theo đúng tinh thần "việc dân sự cốt ở đôi bên".
Chính phủ không bảo lãnh vốn giai đoạn 1 sân bay Long Thành
Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành sẽ gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chọn nhà đầu tư. Trước đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được Chính phủ đề xuất giao là nhà đầu tư, thực hiện dự án. "Việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự" - Nghị quyết của Quốc hội nêu.
Quốc hội cũng lưu ý, vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải là vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỷ USD).
Dự án cũng bổ sung hai tuyến giao thông kết nối, gồm tuyến số 1 nối với Quốc lộ 51 và tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quốc hội cũng đồng ý giảm diện tích đất quốc phòng từ 1.050ha còn 570ha dành riêng cho quốc phòng; 480ha xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung theo quy định pháp luật về đất đai, hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó làm rõ nội dung về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, công nghệ chính, quản lý, vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực... Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án này.