Khuyến khích tư nhân đầu tư cơ giới hóa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù áp dụng mạ khay, cấy máy mang lại hiệu quả cao nhưng đến nay, Hà Nội chỉ có 2,7 % diện tích lúa được gieo cấy bằng phương pháp tiên tiến này. Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù thì việc phát triển sản xuất mạ khay, cấy máy khó lòng thực hiện.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP có 330 máy cấy (trong đó có 280 máy cấy lúa 4 hàng, 36 máy cấy lúa 6 hàng và 14 máy cấy lúa 8 hàng). Diện tích gieo cấy lúa bằng máy đạt trên 5.000ha, chiếm 2,7% diện tích gieo cấy toàn TP. Việc áp dụng cũng như nâng tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa bằng phương pháp mạ khay, cấy máy hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng; đa số cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể dẫn đến chi phí cao.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn; người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa phổ biến. Trong khi đó, kinh phí đầu tư để mua khay làm mạ vẫn ở mức cao, lợi nhuận thấp nên chỉ có HTX, trạm khuyến nông đủ năng lực mới đảm nhiệm được.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, nhiều đại diện HTX kiến nghị TP sớm điều chỉnh chính sách hỗ trợ trực tiếp 50 - 70% đối với máy cấy công suất lớn. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ HTX về kinh phí phát triển dây chuyền mạ khay tối thiểu từ 2 – 3 năm vì sản xuất mạ khay tính rủi ro cao, đòi hỏi phải có kinh nghiệm nhiều năm. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy như: Tạo điều kiện về mặt bằng để HTX xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; quy hoạch bài bản đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung…
Để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thời gian tới, TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Đối với các địa phương, cần có cơ chế chính sách riêng của từng huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay cũng như liên kết với các DN xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ các vùng sản xuất áp dụng mạ khay, cấy máy nhằm khuyến khích nông dân tham gia.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Sở cũng cam kết sẽ là đơn vị trung gian trong việc yêu cầu các DN cung ứng máy cấy thực hiện nghiêm túc chính sách bảo dưỡng chuyên biệt cho máy cấy sau mỗi vụ sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần