Kích cầu du lịch cuối năm trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2, các DN phải đặt an toàn của du khách lên hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh truyền thông Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Đó là ý kiến của các DN, cơ quan quản lý tại buổi tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa" do Tổng cục Du lịch tổ chức chiều 24/9.

 Toàn cảnh tọa đàm 'Kích cầu du lịch nội địa'.

Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, mặc dù ngành du lịch đã có kinh nghiệm kích cầu, nhưng trong đợt triển khai kích cầu lần 2, điều quan trọng nhất là các DN phải đảm bảo an toàn do du khách trước Covid-19.
Tại buổi tọa đàm, nhiều DN du lịch kiến nghị, để kích cầu du lịch giai đoạn 2,  bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho du khách, đòi hỏi các khách sạn, nhà hàng giảm giá dịch vụ, qua đó hỗ trợ DN lữ hành tổ chức tour giảm giá nhưng chất lượng không giảm.
Trả lời về vấn đề này, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Đặng Thanh Thủy  cho biết, để thu hút du khách đến với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí của Vingroup, tập đoàn đã đưa ra sản phẩm có chi phí hợp lý, chất lượng 5 sao, phù hợp với đa dạng khách hàng. Có thể kể đến các gói combo ưu đãi từ 50 - 70% cho khách du lịch gồm: Vé máy bay, khách sạn, vé trải nghiệm tại các khu vui chơi giải trí trên toàn hệ thống Vingroup.
 Khách du lịch tại Vinpearl.

Ngoài việc giảm giá, Vingroup gia tăng trải nghiệm của du khách ở các điểm đến được yêu thích như Nha Trang, Phú Quốc, Nam Hội An bằng cách mở rộng công viên nước, bổ sung thêm trò chơi mạo hiểm, nâng cấp chuỗi chương trình nghệ thuật đẳng cấp Tata show tại Nha Trang, thiên đường giải trí không ở Phú Quốc...
Hiện Vingroup đang phát triển dịch vụ sản phẩm riêng biệt thu hút du khách đặc thù như: Du lịch hội họp, tổ chức sự kiện, du lịch theo nhóm khách hàng lớn... để đón đầu nhu cầu du khách.
Mặc dù các DN du lịch, dịch vụ đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cũng khuyến cáo, DN không nên chỉ thực hiện các giải pháp kích cầu thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ mà nên chuyển đổi tư duy kích cầu du lịch theo cách mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh.
“Chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch Covid-19” - ông Bình nói.