Kích cầu du lịch lần 2: An toàn là trên hết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch đang khởi động chương trình kích cầu thị trường nội địa giai đoạn 2. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi các DN du lịch phải đảm bảo an toàn cho du khách, xây dựng được sản phẩm tour đặc trưng vùng miền.

Hướng tới du lịch an toàn
Hồi tháng 5/2020, Bộ VH - TT&DL đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa và được các địa phương, DN, du khách hưởng ứng, song dịch Covid-19 bất ngờ trở lại khiến hoạt động của ngành này tê liệt trầm trọng. Đến nay khi dịch đã được kiểm soát tốt hơn, việc khởi động lại các hoạt động du lịch và chương trình kích cầu nội địa tập trung vào chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” theo các chuyên gia đánh giá là giải pháp thiết thực.
 Kiểm tra thân nhiệt, tờ khai y tế của hành khách trước khi lên tàu tham quan du lịch đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức, điều quan trọng là các DN du lịch phải đảm bảo an toàn cho du khách. Tổng cục Du lịch đã yêu cầu Sở Du lịch các tỉnh, TP xây dựng tiêu chí an toàn, áp dụng cho 3 nhóm liên quan là điểm đến, dịch vụ và khách du lịch, giám sát để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng cam kết. Không chỉ có vậy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, các hoạt động phục vụ du khách phải đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí du lịch an toàn mà Tổng cục Du lịch đã ban hành trước đó. Đồng thời, DN cung ứng dịch vụ từ hàng không, lữ hành, khách sạn, vận chuyển cần có cơ chế linh hoạt cho hoãn, hủy, đổi tour du lịch trên tinh thần chia sẻ, đảm bảo quyền lợi của DN sử dụng dịch vụ và du khách, nếu dịch bệnh có diễn biến bất thường.
Xây dựng tour đặc trưng vùng miền

Đề cập đến chiến lược kích cầu sắp tới, các chuyên gia du lịch cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho du khách, các DN, địa phương cũng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng.

Bàn về giải pháp phát triển du lịch hiệu quả trong tình hình mới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nêu rõ: Để ngành du lịch khởi sắc trong tình hình mới, các địa phương cần có cách làm riêng nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng, mang tính đặc trưng, từ đó tạo sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm để thu hút khách. “Từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng làm nổi bật được vị thế của Hà Nội - điểm đến hấp dẫn và an toàn” - ông Hiếu chia sẻ. Đồng tình với định hướng kích cầu nội địa giai đoạn 2 của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Đinh Mạnh Thắng gợi ý, từ nay đến cuối năm là “mùa vàng” của du lịch Hà Nội, các đơn vị nên khai thác vẻ đẹp của Thủ đô mùa Thu - Đông cũng như tiềm năng về di sản văn hóa, lịch sử.

Thực tế cho thấy, đồng hành cùng hoạt động kích cầu của cơ sở lưu trú, các DN, đơn vị quản lý điểm đến như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đã xây dựng sản phẩm mang đặc trưng, tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Nội như tour khám phá di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm, thu hút khá nhiều khách tới tham quan.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, ngay từ đầu tháng 9, DN phối hợp với một số khách sạn 4 - 5 sao xây dựng tour trải nghiệm khách sạn cao cấp, kết hợp với hoạt động đi bộ khám phá mùa Thu Hà Nội; tour tìm hiểu căn hầm bí ẩn tại khách sạn Sofitel Legend Metropole kết hợp trải nghiệm kiến trúc, ẩm thực Hà Nội.
Trong khi đó, Công ty Du lịch Flamingo Redtours và một số DN lữ hành bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng, tour khám phá mùa lúa chín, ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang), Simacai (Lào Cai)…

"Chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 chuẩn bị diễn ra tiếp tục hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá nhưng đảm bảo chất lượng.

Tổng cục du lịch yêu cầu các hoạt động du lịch phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và theo bộ tiêu chí mà Tổng cục đã ban hành. DN nên bổ sung các giải pháp công nghệ số hữu hiệu để sớm phát hiện những trường hợp nghi nhiễm Covid-19, từ đó có hướng xử lý kịp thời" - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh