Kích cầu du lịch lần 2 - thay đổi cách thức tiếp cận

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2 của chương trình kích cầu du lịch nội địa thời gian Covid-19 tạm lắng. Tuy nhiên, để thị trường nội địa khôi phục, ngành du lịch không nên kích cầu đại trà mà cụ thể hóa vào từng điểm đến, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, từ đó dần xóa bỏ tâm lý e ngại của du khách và chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm.

Bung tour khuyến mại khi địa phương giảm giá vé tham quan
Nhằm tạo điều kiện cho các DN giảm giá tour nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ, ngay sau khi Tổng cục Du lịch khởi động chương trình kích cầu thị trường nội địa giai đoạn 2, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên… bên cạnh việc “mở cửa” hoạt động trở lại đã triển khai việc giảm giá vé tham quan thu hút khách nội địa.

Cụ thể, từ nay đến 31/12, tỉnh Quảng Ninh giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, vào một số ngày đặc biệt giảm 100% giá vé thu phí vào điểm lưu trú trên vịnh Hạ Long.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa ra quyết định cho phép phương tiện tàu cao tốc hoạt động đưa, đón du khách trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Các hoạt động nhà nghỉ, khách sạn, di tích, điểm tham quan ở huyện đảo này được mở cửa trở lại để đón du khách.
Khách du lịch tại Cầu Vàng (Đà Nẵng).
Tỉnh Khánh Hòa và các DN du lịch triển khai chương trình “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa” để người dân Khánh Hòa trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp với giá ưu đãi dành riêng cho người địa phương, sau đó sẽ thu hút khách các tỉnh lân cận và mở rộng ra cả nước. Đại diện Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ tổ chức chương trình xúc tiến "Nha Trang Biển gọi" tại Hà Nội qua đó quảng bá, giới thiệu các sản phẩm kích cầu Nha Trang - Khánh Hòa tới người dân và du khách. Đánh giá việc một số tỉnh thành có thế mạnh về du lịch triển khai các gói kích cầu, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy nêu rõ: Việc các tỉnh giảm giá vé tham quan đã tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm dịch vụ chất lượng 4 - 5 sao với mức giảm giá tới 50%.

Việc các tỉnh thành giảm giá dịch vụ đã tạo đà cho DN du lịch xây dựng tour, kích cầu từ đó tạo tiền đề cho du lịch hồi phục trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, từ dịp nghỉ lễ 2/9, nhiều DN du lịch thu hút khách mua tour, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay DN đã đón gần 1.000 khách đi tour Côn Đảo, Phan Thiết. Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan thông tin: Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch lần 2, các DN lữ hành Hà Nội đang chào bán tour nội địa tới Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Yên, Quy Nhơn, Nha Trang, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây mùa nước nổi. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm các tỉnh miền núi phía Bắc thu hoạch lúa, mùa hoa tam giác mạch nên các DN đang tập trung khai thác các tour đi Sa Pa, Mù Cang Chải, Hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, Hà Giang, Mai Châu - Pù Luông...

Xây dựng tour mới lạ mang đặc trưng từng vùng

Theo các chuyên gia du lịch, so với lần kích cầu đợt 1, lần kích cầu lần thứ 2 việc giảm giá tour không còn là yếu tố quá hấp dẫn, quan trọng là xây dựng sản phẩm mới mang tính độc đáo, đem lại trải nghiệm khác biệt cho du khách, nhưng vẫn đảm bảo an toàn trước dịch Covid-19.

Bàn về giải pháp phát triển du lịch hiệu quả trong tình hình mới, tại buổi tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 23/9, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nêu rõ: Để ngành du lịch khởi sắc trong tình hình mới, các địa phương cần có cách làm riêng nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng, mang tính đặc trưng, từ đó tạo sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm để thu hút khách. “Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn nhưng mới chỉ khai thác được một phần nhỏ tiềm năng này. Điều đó cho thấy DN du lịch vẫn còn nhiều cơ hội để biến tiềm năng thành các sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn du khách” - ông Hiếu phân tích.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh chia sẻ: Nâng cấp tour truyền thống để tạo thành tour mới đang là hướng phát triển sản phẩm mới của công ty. “Thay vì kết nối nhiều điểm đến như trước, giờ đây đơn vị tập trung khai thác các giá trị của 36 phố phường Hà Nội, đưa khách đến tham quan các đền chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở đây. Có thể nói bản chất các tour này không quá độc đáo nhưng đơn vị đã làm mới sản phẩm truyền thống, tạo nhiều hứng thú cho du khách” - ông Khánh nêu ví dụ.
Để kích cầu thị trường du lịch nội địa lần 2, bên cạnh việc xây dựng tour du lịch đặc trưng vùng miền các chuyên gia du lịch cũng gợi ý: DN chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người dân địa phương, bởi không phải ai cũng biết nhiều, hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn của địa phương mình đang sinh sống. Trước gợi ý của các chuyên gia, DN du lịch Hà Nội đều cho rằng: Thời gian tới sẽ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm cho DN, việc làm này không chỉ để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được không chế 100% mà còn để phát triển hoạt động du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Ông Nguyễn Công Hoan thông tin: Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch tại chỗ Flamingo Redtours đã kết hợp với các khách sạn 5 sao tạo dòng sản phẩm du lịch tại chỗ phục vụ khách tham quan, giới thiệu lịch sử khu phố Tây, Nhà hát Lớn, khách sạn Sofitel Legend Metropole, Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn. Đối với khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, DN đã phối hợp với khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake xây dựng tour thưởng lãm cảnh quan hồ Tây, tham quan nghỉ dưỡng ngay tại khách sạn.

Thực tế cho thấy, đồng hành cùng hoạt động kích cầu của cơ sở lưu trú, các DN, đơn vị quản lý điểm đến như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đã xây dựng sản phẩm mang đặc trưng, tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Nội như tour khám phá di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm, thu hút khá nhiều khách tới tham quan.

Đẩy mạnh truyền thông du lịch Việt Nam an toàn

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 2 ở Đà Nẵng và một số địa phương là một trong những lý do khiến người dân vẫn còn e dè với việc đi du lịch mặc dù dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Để kích cầu du lịch, qua đó phục hồi thị trường nội địa, các DN du lịch cho rằng, trong đợt kích cầu lần này cần tập trung vào việc đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn hấp dẫn, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh nỗ lực của từng DN, rất cần sự vào cuộc của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch các địa phương và Hiệp hội Du lịch đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương qua đó góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thể không chế 100%.

Trước kiến nghị của các DN du lịch, TS Phạm Hồng Long - Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV) nêu rõ: Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân tìm kiếm và tiếp cận công nghệ thông tin nhiều hơn; khách hàng tìm kiếm tour qua các ứng dụng công nghệ đã trở thành xu thế. Để đáp ứng được xu hướng mới của người tiêu dùng đòi hỏi chính bản thân ngành du lịch phải thay đổi cách thức truyền thông, quảng bá dịch vụ du lịch đến khách hàng. “Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông, ngành du lịch phải tạo được sự tin tưởng của khách rằng trong giai đoạn này thị trường du lịch đang hồi phục, đảm bảo an toàn cho khách du lịch” - TS Phạm Hồng Long nói.

Thực tế cho thấy trong công văn phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020, Bộ VHTT&DL cũng đề nghị các DN du lịch thành lập các liên minh kích cầu để thu hút khách, tạo nên sản phẩm có giá tốt, áp dụng tốt các biện pháp an toàn phòng dịch và đẩy mạnh truyền thông về an toàn cho du khách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn

Chương trình kích cầu du lịch lần 2 tiếp tục hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá và chuyến đi có thời gian phù hợp.

Các sản phẩm du lịch phải bảo đảm chất lượng và chỉ thực hiện đến hết năm, đồng thời khuyến khích các DN lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nội địa. Để đảm bảo an toàn cho du khách, Tổng cục Du lịch đã yêu cầu Sở Du lịch các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí an toàn, được áp dụng cho 3 nhóm liên quan gồm điểm đến, dịch vụ và khách du lịch, giám sát để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng cam kết.


Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học Trường Trường Đại học KHXH&NV: Chú trọng đa dạng hóa sản phẩm

 Chỉ còn nửa tháng nữa, Hà Nội bước vào cao điểm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn như: Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ hội đường phố "Dấu ấn Hà Nội"; Liên hoan du lịch làng nghề, phố nghề 2020; Lễ hội bơi chải thuyền Rồng Hà Nội mở rộng năm 2020; Liên hoan văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2020; Triển lãm và liên hoan thư pháp Thăng Long-Hà Nội; Liên hoan múa rồng… Những hoạt động này là cơ hội để DN xây dựng tour mới, lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến an toàn hậu Covid-19.

Xa hơn ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách.


Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Phát triển du lịch di sản, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đêm

Từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Để làm được điều này trong quá trình thực hiện kích cầu đợt 2, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các DN du lịch tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng sản phẩm độc đáo để thu hút khách đến với Thủ đô trong dài hạn, đồng thời phải luôn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách.

Trước mắt Sở Du lịch cũng hỗ trợ một số điều kiện để các DN xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch tại 2 huyện Mỹ Đức và Ba Vì có lợi thế lớn về cảnh quan, văn hóa. Do đó, các sản phẩm kích cầu tại hai địa phương này cần được tập trung xây dựng dành riêng cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tập trung quảng bá các chương trình kích cầu, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền về du lịch thủ đô an toàn.


Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng: Đề cao tiêu chí chọn điểm đến an toàn

Đến nay vẫn chưa có kịch bản hoàn thiện cho thị trường du lịch phục hồi thời gian tới. Tuy nhiên, chủ trương xuyên suốt trong việc thực hiện kích cầu lần 2 là DN du lịch là sẽ không làm đại trà mà lựa chọn từng điểm đến kích cầu, trong đó đề cao tiêu chí chọn điểm đến an toàn. Điều quan trọng không kém là thời điểm tung ra chương trình kích cầu sao cho phù hợp thực tế bởi tâm lý tiêu dùng giờ đã khác, không thể giữ cách làm vội vã mà phải chọn thời điểm phù hợp, lúc người dân cảm thấy thật an toàn tin tưởng khi đi du lịch.