Kiểm định chất lượng giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) thuộc Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam vừa mới ra đời với mục tiêu trước mắt: Xem xét hoạt động của trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất hiện nay như Giám đốc PGS.TS Nguyễn Phương Nga chia sẻ là làm sao để các trường hợp tác với Trung tâm.Kiểm định chất lượng giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập - Ảnh 1

Kiểm định theo chuẩn khu vực

Thưa bà, KĐCLGD có ý nghĩa thế nào đối với các trường trong việc nâng cao chất lượng cũng như hội nhập quốc tế?

- Một trong những yêu cầu đầu tiên của phân tầng, xếp hạng là các trường phải có chứng chỉ KĐCLGD cấp cơ sở về chương trình đào tạo. Và cũng để khẳng định trường đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT, sinh viên ra trường có việc làm, hòa nhập được với cộng đồng ASEAN. Sở dĩ tôi nói vậy vì tất cả các nước trong khối ASEAN đều có hệ thống KĐCLGD. Các trường ĐH ở khu vực này còn thành lập mạng lưới đảm bảo chất lượng chung. Nếu Việt Nam có nhiều trường KĐCLGD và đạt chứng chỉ, đương nhiên các nước trong khối ASEAN công nhận đảm bảo chất lượng chung của khu vực. Nếu các trường của Việt Nam kiểm định theo tiêu chuẩn ASEAN thì đạt chứng chỉ quốc tế.

Như vậy, các trung tâm KĐCLGD của Việt Nam cũng có những tiêu chí chung như những nước khác?

 - Đúng vậy! Các tổ chức kiểm định của Việt Nam đã và sẽ tham gia vào mạng lưới KĐCLGD trong khối ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, quốc tế. Tất nhiên, chúng ta cũng phải hoạt động theo điều lệ chung của tổ chức, đảm bảo chất lượng quốc tế.

Tới đây, Bộ GD&ĐT tái cấu trúc lại hệ thống các trường ĐH. Liệu việc kiểm định có đóng góp cho hoạt động đó?

 - Hiện giờ mới có nghị định của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Muốn các quy định đi vào thực tiễn, Bộ GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhưng đầu tiên các trường phải thực hiện kiểm định để khẳng định đạt chất lượng theo yêu cầu. Tất nhiên, các tiêu chí Bộ đưa ra cũng tương đương với quy định của các nước trong khối ASEAN. Nếu trường nào chưa đạt yêu cầu chất lượng của chương trình kiểm định sẽ không thể tham gia phân tầng, xếp hạng.

Cạnh tranh bằng nội lực

Bộ GD&ĐT đã cấp phép thành lập 4 trung tâm KĐCLGD. Nhiều trung tâm đồng nghĩa sẽ có sự cạnh tranh, thưa bà?

- Theo lộ trình phát triển của Bộ GD&ĐT, thời kỳ đầu, 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng, mỗi đơn vị có 1 trung tâm. Trung tâm của chúng tôi thuộc sự quản lý của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - độc lập với Bộ GD&ĐT, nhưng vẫn hoạt động theo quy định của Bộ và pháp luật. Thực ra, 4 trung tâm không nhiều so với gần 500 trường ĐH, CĐ và rất nhiều chương trình đào tạo. Theo luật, các trường được lựa chọn bất kỳ tổ chức kiểm định nào được Bộ GD&ĐT cấp phép. Tổ chức nào làm việc công bằng, công tâm, chuyên nghiệp và phù hợp thì chắc chắn sẽ được lựa chọn.

Nhưng, nếu trường muốn trung tâm dễ dãi trong việc kiểm định?

- Điều đó cũng có thể, nhưng theo báo cáo của TS Lê Văn Hảo - Phòng Đảm bảo chất lượng & Thanh tra, ĐH Nha Trang và Đại tá TS Nguyễn Minh Khôi - Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, các kiểm định viên được đào tạo tay nghề chưa cao và thiếu thực hành. Thậm chí, giảng viên đứng trên bục giảng đào tạo kiểm định viên cũng chưa từng đánh giá ngoài. Đó là hạn chế lớn của giáo dục nước ta. Với trình độ kiểm định viên như thế có thể dẫn đến đánh giá quá chặt hoặc quá dễ dãi, kết quả sẽ không công bằng, khách quan, các trường sẽ không phục. Những người đánh giá sẽ không thể tham vấn cho trường chỉ ra mặt mạnh cũng như hạn chế, làm thế nào để khắc phục phát triển đi lên.

Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học... chứ không phải là được hay không.

Xin cảm ơn bà!