Theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Môi trường Hà Nội), trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện CLKK. Kết quả cho thấy, Hà Nội đã giảm 91,61% bếp than tổ ong từ năm 2017 tới tháng 12/2020. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa giảm với nhiều nguyên nhân như thời tiết, các cụm công nghiệp phát triển mạnh, giao thông tăng cao, rác thải ùn ứ, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, trong đó có lát đá vỉa hè, sản xuất cuối năm gia tăng… “Trong năm 2021, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc kiểm kê nguồn phát thải, ứng dụng các mô hình khác nhau nhằm xác định nguồn ô nhiễm chính, từ đó phân bổ nguồn lực phù hợp để cải thiện CLKK. Đặc biệt, Hà Nội sẽ phối hợp với một số đơn vị, tổ chức nhằm đánh giá phát thải của xe máy để đề xuất những chính sách cho giao thông bền vững” – bà Lê Thanh Thủy cho biết thêm.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ, những kinh nghiệm của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là ban hành Đạo luật không khí sạch vào năm 1970 cùng nhiều biện pháp tích cực cấp liên bang và địa phương. Đến năm 2017, Mỹ đã giảm 73% khí phát thải gây ô nhiễm. Ông Kritenbrink cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội thường xấu hơn vào mùa Đông mà một trong những nguyên nhân là do gió, thời tiết, đốt chất thải hoặc rơm rạ, khí thải từ phương tiện giao thông và sản xuất điện. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát môi trường và thực thi các quy định, xử lý chất thải phù hợp, thay thế năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch.Đại sứ Kritenbrink cũng cho biết, phái đoàn Mỹ đã thiết lập những hệ thống giám sát CLKK ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp các chỉ số CLKK. Đây cũng là một trong những cơ quan đầu tiên công bố dữ liệu về CLKK trực tuyến cho Việt Nam. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ý thức của người dân được nâng lên và sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế, vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội sẽ từng bước được cải thiện rõ nét.