Kiểm soát an toàn thực phẩm tại quận Thanh Xuân: Nhân rộng những mô hình hay

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm qua, phong trào thi đua an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận Thanh Xuân đã có những chuyển biến tích cực, nhờ triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả trong quản lý ATTP.

Nhiều mô hình hiệu quả
Hiện nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại quận Thanh Xuân ngày càng tăng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn quận có 2.169 cơ sở. 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020), cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả 8 mô hình hay. Đơn cử, với mô hình Xây dựng, phát triển và duy trì cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát, từ năm 2016 - 2020, quận Thanh Xuân đã mở được 6 điểm cung cấp thực phẩm an toàn tại các phường Nhân Chính, Hạ Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Kim Giang, Khương Mai. Đến nay, mô hình đã đi vào hoạt động và bước đầu đạt kết quả khả quan. Lượng khách từ khi khai trương đến nay là 229.653 lượt, doanh thu hơn 12 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.
 Đoàn kiểm tra liên ngành của TP kiểm tra ATTP bếp ăn tập thể tại các trường học ở quận Thanh Xuân ngày 26/10.  Ảnh: Trần Thảo
Đặc biệt, năm 2017, Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng mô hình điểm triển khai tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình. Trên cơ sở đó, TP đã nhân rộng mô hình đến các quận, huyện trên địa bàn. Đến nay, quận Thanh Xuân đã thực hiện duy trì mô hình này với 28/28 cơ sở thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế. Từ khi mô hình được triển khai, diện mạo của những tuyến phố đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự.

Hay với mô hình Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận theo đề án của TP Hà Nội, đến nay, quận đã cấp 106 biển nhận diện trái cây an toàn cho 106 cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn. Qua khảo sát cơ sở trước và sau khi được cấp biển nhận diện trái cây an toàn, kết quả hầu hết doanh số của các cửa hàng đều tăng từ 1,5 - 2 lần so với khi chưa được cấp biển nhận diện trái cây an toàn.

Cũng nhờ mô hình Thực hiện duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đến nay, trên địa bàn quận có 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đã tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm với hơn 300 sản phẩm. 6 cửa hàng cung cấp thực phẩm có kiểm soát đã thực hiện xong hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhờ đó, ý thức chấp hành các quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP của các hộ kinh doanh được nâng lên rõ rệt.

Giám sát xử lý vi phạm qua đường dây nóng

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang, thời gian qua, quận Thanh Xuân đã có nhiều cố gắng trong quản lý, đảm bảo ATTP trên địa bàn với những kết quả nhất định. Nhờ đó, các vi phạm về ATTP được phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tình hình ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân.

“Để những mô hình kiểm soát ATTP tiếp tục phát huy hiệu quả cần ý thức, trách nhiệm của cả 3 bên (cơ quan quản lý, hộ kinh doanh và người tiêu dùng). Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn với hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định về ATTP, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở được cấp giấy chứng nhận, được gắn biển kiểm soát ATTP” - bà Lê Mai Trang nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2026, quận Thanh Xuân tập trung thanh tra, kiểm tra ATTP cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể theo phân cấp quản lý; không để tình trạng cơ sở sản xuất thực phẩm không thực hiện đúng quy định về ATTP. Đồng thời tiếp tục quan tâm kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng.

Thời gian tới, quận Thanh Xuân tập trung thanh tra, kiểm tra vào các đợt điểm ATTP hàng năm. Chủ động kiểm tra, giám sát xử lý thông tin báo chí và các tầng lớp Nhân dân phản ánh về việc mất ATTP đối với các cơ sở thực phẩm, thông qua đường dây nóng trên địa bàn theo phân cấp. Tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP cấp phường.

Từ năm 2016 đến nay, quận Thanh Xuân đã kiểm tra, giám sát 14.291 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố. Quận cũng đã xử phạt 964 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, cấp quận xử phạt 222 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cấp phường xử phạt 738 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần