Kiểm soát an toàn thực phẩm: Trên quyết liệt dưới lơi là

Bài, ảnh: Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai Tháng Hành động vì ATTP năm 2017. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, các sở, ngành chức năng và địa phương kiểm soát chặt ATTP, không chỉ riêng trong Tháng Hành động mà phải xác định, đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, luôn luôn “nóng” và cấp bách.

Truy đến cùng nguồn gốc rượu độc
Một vấn đề khiến dư luận quan tâm, ngành chức năng ‘đau đầu” trong thời gian qua là tình trạng ngộ độc rượu liên tục xảy ra trên địa bàn. Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, từ ngày 22/2 đến nay, toàn TP ghi nhận 27 trường hợp ngộ độc methanol, nhiều nhất là Đống Đa, Cầu Giấy. 25 bệnh nhân đã ra viện, trong đó 22 bệnh nhân ổn định, 3 trường hợp nặng xin về và tử vong tại nhà. Hiện vẫn còn 2 bệnh nhân ngộ độc rượu rất nặng, phải thở máy tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Cũng trong hơn 1 tháng qua, TP đã thành lập được 693 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Đã có 6.223 cơ sở được kiểm tra, 866 cơ sở bị cảnh cáo, phạt tiền gần 1,4 tỷ đồng. Qua xét nghiệm methanol 2.111 mẫu rượu, phát hiện 78 mẫu chứa methanol, 5 mẫu vượt ngưỡng cho phép.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị

Một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công nhất Hà Nội là huyện Thanh Trì với trên 300 cơ sở. Lãnh đạo huyện này thừa nhận, đa số các hộ không có Giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh cũng như Giấy xác nhận kiến thức ATVSTP. Qua tập huấn, đến nay mới có 90 hộ nộp hồ sơ để được cấp các giấy tờ theo qui định. Liên quan đến vấn đề này, đại diện các huyện Phúc Thọ, Ba Đình cũng nêu những khó khăn trong công tác quản lý và quyết tâm, sẽ thực hiện nghiêm yêu cầu của TP. Riêng về lĩnh vực quản lý rượu liên quan đến những vụ ngộ độc vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp kiểm soát chặt, truy xuất nguồn gốc đến cùng, xử lý hình sự theo quy định. “Phải làm những vụ điển hình để làm gương, kiên quyết xử nghiêm nhằm hạn chế tối đa vi phạm” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND quận, huyện phải đi kiểm tra 1 lần/tuần
Tháng Hành động vì ATTP 2017 diễn ra từ 15/4 - 15/5. Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến từ rau, thịt, thủy sản tươi sống.
Chỉ trong quý I/2017, toàn TP đã kiểm tra 38.102 cơ sở thực phẩm, phát hiện 6.784 cơ sở vi phạm, 1.758 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng. Đề cập đến khó khăn trong quản lý ATTP, ông Trần Ngọc Tụ cho rằng, hiện một số nội dung văn bản pháp luật của T.Ư chưa đồng bộ. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. “Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa mạnh mẽ, chủ yếu nhắc nhở” - ông Tụ nêu rõ.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, TP quyết tâm kiểm soát tốt ATTP, tuy nhiên, việc kiểm soát phụ thuộc vào chính từng xã, phường, thị trấn. “Lãnh đạo địa phương là nơi nắm rõ nhất các cơ sở trên địa bàn mình, nếu địa phương không vào cuộc hoặc vào cuộc chưa nghiêm, TP khó bề kiểm soát” - ông Hiền nói. Chủ đề của Tháng Hành động vì ATTP 2017 là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, tuy nhiên theo ông Hiền, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp theo đặc thù của địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, dù thời gian qua Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt, từ cấp xã, phường, quận, huyện đến TP nhưng vẫn tồn tại quá nhiều thách thức. Đó là tình trạng thực phẩm nhập, thuốc bảo vệ thực vật, rượu sản xuất thủ công khó kiểm soát. Trước những nhu cầu cấp thiết của đời sống Nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương cần phải tích cực, quyết liệt hơn. “Các quận đã rất tích cực, nhưng các huyện vẫn còn lơi là, Chủ tịch UBND huyện chưa thường xuyên đi kiểm tra mà thường giao cho cho các cấp trưởng phòng. Tôi yêu cầu đến 30/5, các địa phương phải báo cáo số liệu cụ thể, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường cũng như giám đốc các Sở đã trực tiếp đi kiểm tra được bao nhiêu lần. Theo quy định, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đến quận, huyện phải đi kiểm tra ít nhất 1 lần/tuần, còn Phó Chủ tịch 2 lần/tuần”.