Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm thủy sản

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (NTD), thời gian qua, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản trước khi được tiêu thụ trên thị trường.

Kiểm soát tận gốc
Hà Nội là địa phương có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) khá lớn, với 30.840ha dưới dạng ao, hồ, ruộng trũng… Những ưu thế tự nhiên này là điều kiện lý tưởng để TP phát triển nghề NTTS, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi trồng tập trung. Tổng sản lượng NTTS hàng năm của TP  đạt trên 100.000 tấn. Ngoài ra, Hà Nội còn có những con sông chạy qua như sông Hồng, sông Đuống, sông Tích, sông Đáy…, là lợi thế cho ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng, bè.

Chi cục Thủy sản Hà Nội thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở hồ Đồng Mô. Ảnh: Nguyễn Nga

Với mục tiêu để sản phẩm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh đảm bảo ATTP, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã chủ động kiểm soát tận gốc chất lượng thủy sản. Hàng năm, Chi cục đã xây dựng mạng lưới kiểm soát chất lượng thủy sản từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, tới khi xuất bán ra ngoài thị trường. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, năm 2016, Chi cục đã kiểm dịch 252 tấn cá thương phẩm, hàng triệu con cá giống, cá bột. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư dùng trong NTTS. Kết quả, 100% các cơ sở được kiểm tra có đầy đủ thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh và nuôi thương phẩm. Chi cục cũng kết hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản. Giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh ở các vùng NTTS trọng điểm. Tuyên truyền, khuyến cáo các hộ nuôi sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng quy định. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về quản lý dịch bệnh thủy sản và cảnh báo môi trường, bệnh thủy sản cho các vùng NTTS tập trung.
Người chăn nuôi chủ động
Theo Chi cục Thủy sản, hiện nay, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh đã làm suy giảm chất lượng nguồn nước, vì vậy sẽ dễ xảy ra dịch bệnh trên thủy sản.
Mặt khác, một số hộ NTTS còn hạn chế về kiến thức cũng như ý thức trong nuôi trồng, chỉ chạy theo số lượng chứ chưa thực sự quan tâm tới chất lượng thủy sản. Theo đó, họ sẵn sàng cho vật nuôi ăn thêm thức ăn công nghiệp có chứa bột tăng trọng để tăng năng suất. Vì vậy, bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì người NTTS cũng cần phải chủ động trang bị những kiến thức về nuôi trồng bằng cách tham gia các lớp tập huấn về đảm bảo ATVSTP và kỹ thuật NTTS. Đồng thời, tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong NTTS từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến khi xuất bán ra ngoài thị trường.
Là một hộ NTTS lâu năm, ông Chu Xuân Hải, xóm 7, xã Trung Tú, Ứng Hòa cho biết, vấn đề ATTP hiện đang được cả xã hội quan tâm. Vì vậy, những người chăn nuôi cũng tự có ý thức điều chỉnh cách chăn nuôi của mình, sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo ATTP. Đây cũng là cách để nâng cao hiệu quả NTTS và phát triển bền vững trong xu hướng hiện nay. Theo kinh nghiệm trong chăn nuôi của ông Hải, khi lựa thức ăn cho cá phải là loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm sinh học không có trong danh mục cho phép sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm thủy sản khi xuất bán phải đảm bảo đủ thời gian cách ly an toàn với các loại kháng sinh đã dùng trước đó. Có như vậy sản phẩm thủy sản mới đảm bảo ATTP khi xuất bán ra ngoài thị trường.
Để giám sát, quản lý tốt lượng thủy sản lưu thông trên thị trường, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm tra truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản lưu thông. Kết quả cho thấy, hầu hết các lô hàng thủy sản vào chợ đều đã xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần