Kiểm soát chất lượng thuốc: Tăng tiền kiểm, hậu kiểm

Thu Ngân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng dược phẩm, kiểm soát kê đơn thuốc đang là mối lo của bệnh nhân cũng như ngành chức năng. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Kết nối hệ thống nhà thuốc được xem là giải pháp mới hữu hiệu để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, xin Bộ trưởng cho biết, việc này hiện được triển khai và thực hiện tới đâu?
- Đến thời điểm hiện tại, có 63 tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn như Viettel, VNPT, FPT… tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các nhà thuốc. Cụ thể, đã cài đặt và cung cấp account phần mềm cho 15.178 nhà thuốc (đạt 82,76%), các nhà thuốc còn lại đang khẩn trương thực hiện.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó sẽ chú trọng đến việc tăng cường triển khai kê đơn thuốc điện tử, đảm bảo kết nối đơn thuốc giữa cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở bán lẻ thuốc, tránh tình trạng bán các loại thuốc phải kê đơn một cách tự do.
Người dân vẫn lo ngại chất lượng thuốc, vì thực tế thời gian qua, nhiều thông tin thuốc giả, thuốc nhái bị phát hiện khiến người bệnh bất an. Bộ trưởng có thể cho biết chất lượng thuốc được kiểm soát thế nào?
- Ngành Dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được giám sát chặt chẽ bởi việc tiền kiểm và hậu kiểm. Trong thời gian qua đã có các hoạt động quản lý Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng thuốc.
 Một hiệu thuốc trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Thứ nhất, hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc được ban hành đầy đủ. Thứ hai, Bộ Y tế đã quy định chuẩn dữ liệu kết nối liên thông với các phần mềm quản lý trong chuỗi cung ứng thuốc, đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào, bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. Thứ ba, công tác tiền kiểm và hậu kiểm được tăng cường.
Nhờ việc kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, chất lượng thuốc được duy trì và bảo đảm. Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98% và 1,59%; theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,6%. Tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay.
Hướng giải pháp của Bộ Y tế để kiểm soát tốt hơn chất lượng thuốc trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
- Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Triển khai xây dựng và thực hiện các Đề án: Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Triển khai đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng, xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm.
Bộ Y tế đã thực hiện đàm phán giá thuốc với các hãng dược ra sao để góp phần giảm giá thuốc?
- Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng đàm phán giá do một Thứ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là một Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Thành viên Hội đồng đến từ các bộ, ngành liên quan. Kết quả, đã đàm phán thành công ở tất cả 4 mặt hàng thuốc, giảm được 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại (với số lượng thuốc dự kiến mua cho các cơ sở y tế 2019 – 2020 thì giảm được hơn 551 tỷ đồng so với giá trúng thầu hiện tại).
Trên sơ sở kết quả đạt được bước đầu, tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán giá với các mặt hàng thuốc biệt dược, góp phần làm giảm giá thuốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm như sau: Năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô, năm 2017 phát hiện 1 lô và năm 2018 các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2.100 lô của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần