Kiểm soát chặt những trường lợi nhuận “khủng”

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số trường tư, đặc biệt những trường mang danh quốc tế đều thu học phí khủng nhưng chất lượng đào tạo, an toàn trường học là vấn đề đáng bàn, đặc biệt sau vụ học sinh tử vong tại trường Gateway vừa qua.

 TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Xung quanh vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận trong giáo dục và sự quản lý của ngành chức năng, Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Nên có khung học phí cho trường tư
Thưa ông, sau vụ bé tử vong tại trường Tiểu học Gateway, nhiều vấn đề bất cập của trường có tên quốc tế mới lộ ra khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng. Ông có thể nói gì về hệ thống trường tư hiện nay?
- Thực tế, với tính chất xã hội của chúng ta, hệ thống trường công được đầu tư rất tốt, có quá trình phát triển lâu dài và rộng khắp. Đối với cấp học mầm non, tiểu học có hệ thống trường đến tận địa bàn phường rất thuận lợi cho phụ huynh và học sinh học tập. Đặc biệt là cấp tiểu học phổ cập bắt buộc được Nhà nước đảm bảo chỗ học cho học sinh.
Chính vì được nhà nước chăm lo nên học phí trường công rất thấp, cấp tiểu học không thu học phí. Học sinh học trường công có nhiều ưu thế, nhưng với chủ trương xã hội hóa, đặc biệt với Hà Nội, Luật Thủ đô đã quy định được phát triển những trường chất lượng cao và thu học phí cao. Mặt khác, mặt bằng thu nhập, đời sống của người dân Thủ đô tốt nên nhiều phụ huynh có điều kiện lựa chọn những trường ngoài công lập có chất lượng cao, phương pháp dạy học hiện đại, điều kiện chăm sóc tốt hơn để gửi con theo học.
Trong số các cơ sở giáo dục tư thục có nhiều trường tốt, uy tín. Thậm chí, xin học ở một số trường tư thục, dân lập khó hơn nhiều trường công bình thường. Trường tư thục có nhiều mô hình chất lượng tốt, đương nhiên phụ huynh phải chi trả học phí cao. Do đó, loại hình trường này chỉ phù hợp với một bộ phận người dân có thu nhập tốt. Nhưng chúng ta cũng phải nói, các trường tư có chất lượng không đồng đều, cơ bản là tốt nhưng có những trường không tốt. Và, khi có sự việc gì đó xảy ra, xã hội, phụ huynh có dịp nhìn nhận lại để lựa chọn trường yên tâm hơn cho con mình.
Ở Việt Nam đã có mô hình trường phi lợi nhuận chưa, thưa ông? 
- Đến nay, chúng ta chưa có trường học nào phi lợi nhuận hoàn toàn. Vì các trường đều phải hoạt động và có thu học phí, có lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Chúng ta không khuyến khích kinh doanh trong giáo dục vì đây là loại hình dịch vụ xã hội đặc biệt, nếu gắn mục tiêu kinh doanh thì mục tiêu giáo dục không được đảm bảo. Nhà nước có chủ trương xã hội hóa nhưng khuyến khích mô hình trường học không vì lợi nhuận.Tức là trường có mức thu học phí và lợi nhuận vừa phải để tồn tại, phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo dục.
 Học sinh trường Quốc tế Wellspring trên địa bàn quận Long Biên trong giờ học. Ảnh: Kênh 14
Thực tế hiện nay có những trường thu mức học phí một năm học rất cao, có trường trên 100 triệu đồng, lại có cơ sở giáo dục tư tới mấy trăm triệu đồng, như vậy lợi nhuận rất lớn. Đây là sự thỏa thuận giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường, nhưng có lẽ tới đây cũng phải có một cơ chế quản lý để khống chế mức học phí.
Ví dụ, quy định những loại hình dịch vụ gì, cung cấp như thế nào tương ứng với khung học phí bao nhiêu và trường chỉ được thu trong mức đó. Các trường tư cũng phải cam kết về mặt chất lượng. Chứ không phải như bây giờ, trường tư hoàn toàn tự đặt ra, phụ huynh và học sinh là người bị áp đặt, không có sự lựa chọn.
Kiểm soát chặt chẽ
Như ông đã khẳng định, hiện nay chúng ta chưa có mô hình trường học phi lợi nhuận hoàn toàn, vì sao vậy?
Với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, chưa có nhà đầu tư nào đầu tư vào các trường chỉ để nhằm mục đích phục vụ xã hội, thậm chí bù lỗ cho hoạt động của nhà trường. Mặc dù chúng ta khuyến khích xã hội hóa, các trường hoạt động không vì lợi nhuận bằng những cơ chế, chính sách nhưng đang còn có vướng mắc.
Những trường ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ về chính sách đất đai còn rất ít. Các trường ngoài công lập phải tự lo mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và làm các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Muốn tồn tại để hoạt động, phát triển, chắc chắn nhà trường phải dùng nguồn từ thu học phí.
Một vấn đề nữa, đó là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật đồng bộ. Luật Giáo dục có nói về ưu đãi cho trường ngoài công lập nhưng các văn bản luật như Đất đai, Thuế, Phí, Lệ phí lại chưa quy định có những khuyến khích cụ thể cho cơ sở giáo dục. Cho nên các trường vẫn phải thu học phí cao để đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Còn chúng ta muốn thực hiện được thì phải sửa đổi pháp luật tương đối đồng bộ cũng như có những ưu đãi cho các cơ sở giáo dục một cách cụ thể hơn.
Hiện nhiều trường thu học phí dựa trên nguyên tắc lấy thu đủ bù chi?
- Tôi cho rằng, những trường đó không vì lợi nhuận, không lấy lợi nhuận làm mục đích chính, mà vì phục vụ giáo dục đào tạo. Sở dĩ họ phải thu học phí và có lợi nhuận ở mức vừa phải là để đảm bảo sự tồn tại cũng như phát triển của nhà trường.
Thực tế hiện nay có 3 mô hình trường học ngoài công lập. Đó là mô hình trường phi lợi nhuận, có nghĩa làm được bao nhiêu thì đầu tư hết, không chia lãi cho các nhà đầu tư. Mô hình trường này, trong thực tế chưa xuất hiện. Mô hình trường không vì lợi nhuận (thu học phí đủ bù chi) hiện nay đang có. Mô hình trường vì lợi nhuận, mức thu học phí của mô hình trường này khá cao.
Như lúc trước tôi đã nói Nhà nước cần phải có kiểm soát mức thu học phí, thực hiện cam kết chất lượng giáo dục để đảm bảo những người đi học thực hiện quyền công dân, được học tập. Còn nếu học sinh tiểu học phải nộp số tiền học phí quá lớn sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện quyền lợi của các cháu.
Khi chúng ta phát triển mạnh trường ngoài công lập phi lợi nhuận, không vì lợi nhuận, người học sẽ được hưởng những lợi thế gì, thưa ông?
- Khi Nhà nước có chính sách đầu tư cho những loại hình trường này, đương nhiên học sinh là người được hưởng lợi đầu tiên. Các em được học trong môi trường học đường có cơ sở vật chất tốt hơn, dịch vụ chăm sóc tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng hơn hẳn nhưng với mức học phí vừa phải. Và, qua đó, xã hội lại có phần đóng góp của các nhà đầu tư đó.
Một điều nữa tôi muốn nói, mô hình trường ngoài công lập hoặc liên kết có mức học phí cao, do hứa hẹn chất lượng hay hình thức đào tạo nào đó tốt, đặc biệt. Câu chuyện ở đây, cơ quan quản lý phải giám sát cơ sở giáo dục đó phải cung cấp dịch vụ và đảm bảo chất lượng đúng như cam kết. Về phía phụ huynh cũng phải tìm hiểu thật kỹ, chứ không chỉ căn cứ vào giới thiệu, tên trường là sẵn sàng lựa chọn và trả học phí cao mà không biết hoạt động, chất lượng, cam kết của trường với xã hội ra sao.
Xin cảm ơn ông!

"Đối với giáo dục, chất lượng là yếu tố hàng đầu. Bởi sản phẩm của giáo dục là con người, tạo ra thế hệ công dân, người lao động đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong trường hợp học sinh đi học không nắm được kiến thức, không được đào tạo toàn diện và không phát triển về mặt nhân cách thì không thể làm lại được, hỏng cả một thế hệ. Giáo dục là loại hình dịch vụ đặc biệt nên nhà nước phải kiểm soát, trước tiên là chất lượng giáo dục đảm bảo ở mặt bằng chung theo quy định." - TS Phạm Tất Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần