Kiểm soát dịch tả lợn tại lò mổ lớn nhất Thủ đô

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là cơ sở giết mổ lợn lớn nhất Thủ đô, trung bình mỗi ngày, lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) giết mổ từ 1.800 - 2.000 con lợn. Đáng chú ý khi có tới 60% số lợn trên được nhập từ các tỉnh, TP lân cận.

Giám sát nghiêm ngặt
Hơn 1 giờ sáng, lò mổ Vạn Phúc đã nhộn nhịp dòng xe tải vận chuyển lợn từ khắp nơi đổ về. Những chuyến hàng nối đuôi nhau chờ tới lượt làm thủ tục nối dài từ trên bờ đê sông Hồng dẫn vào khu giết mổ.
Tại cổng kiểm soát, lực lượng chức năng liên ngành làm nhiệm vụ với cán bộ chăn nuôi – thú y, công an, quản lý thị trường… khẩn trương tiến hành kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của đàn lợn được vận chuyển tới. Cùng với giấy kiểm dịch vận chuyển được các tỉnh, TP cấp và niêm phong kẹp chì (mỗi tỉnh có một mã số riêng), đàn lợn trước khi được đưa vào giết mổ còn được kiểm tra lâm sàng. Phương tiện cũng phải phun thuốc khử trùng, tiêu độc để bảo đảm an toàn cho đàn lợn tập kết bên trong…
 Cán bộ chăn nuôi - thú y kiểm tra lâm sàng lợn sau giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc (ngày 9/3). Ảnh: Trọng Tùng
Ghi nhận tại lò mổ Vạn Phúc cho thấy, lợn được giám sát trong suốt quá trình giết mổ. Hàng chục cán bộ chăn nuôi - thú y túc trực, quan sát quá trình giết mổ từ đầu đến cuối. Sau khi hoàn thành, các cán bộ này tiếp tục kiểm tra lâm sàng sản phẩm thịt lợn sau giết mổ, trước khi đóng 6 dấu kiểm dịch lên các bộ phận khác nhau của lợn. Chỉ khi đó, lợn mới đủ điều kiện được vận chuyển đi tiêu thụ.
Ngừng tiếp nhận lợn từ các điểm có dịch
Theo tìm hiểu, lò mổ Vạn Phúc chủ yếu tiếp nhận lợn từ các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên. Tại Hà Nội, lò mổ tiếp nhận lợn nhiều nhất từ các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa… Hiện, trước tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan, lò mổ Vạn Phúc đã ngừng tiếp nhận lợn từ các điểm của 13 tỉnh, TP có thông báo phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Tùng, cán bộ chăn nuôi - thú y huyện Thanh Trì, cho biết những ngày dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, lực lượng chức năng liên ngành đã được tăng cường để kiểm soát dịch. Theo đó, từ 1 giờ đến 6 giờ sáng, cũng là thời điểm lò mổ hoạt động nhộn nhịp nhất với khoảng 1.800 con lợn được vận chuyển đến giết mổ, có tới 17 cán bộ chăn nuôi – thú y được cắt cử thực hiện giám sát bệnh dịch tại lò mổ Vạn Phúc. Trong khi đó, thời điểm ban ngày, với đàn lợn giết mổ khoảng 200 con, vẫn có 4 cán bộ thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ xuyên suốt quá trình giết mổ thành phẩm.

Ông Đặng Văn Tính, cán bộ Đội quản lý thị trường số 7 TP Hà Nội cho biết thêm, đơn vị đã phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ cùng với các lực lượng chức năng khác để thực hiện giám sát đàn lợn đến giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc. Bên cạnh giám sát giết mổ, lực lượng chức năng cũng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển lợn đi tiêu thụ.
Việc kiểm soát tốt giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho sản phẩm thịt lợn cung ứng đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Dù vậy, lo ngại lớn hơn hiện nay đến từ việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm nhỏ lẻ.
Để làm được điều này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, giám sát nghiêm việc vận chuyển lợn từ các tỉnh, TP lân cận; quản lý chặt chẽ đàn lợn, công tác giết mổ trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền theo phương châm “5 không”, đặc biệt là không giết mổ, không vận chuyển lợn bị ốm chết, nhằm kiểm soát có hiệu quả bệnh dịch lây lan.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 988 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có 51 cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp, còn lại là những điểm giết mổ nhỏ lẻ. Hàng ngày, các cơ sở giết mổ khoảng 200 con trâu bò, 28.000 con gia cầm và 4.000 con lợn.