Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2020: Nhiều thách thức

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng khoảng 4%. Việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2020 đang đặt ra nhiều thách thức trước những diễn biến của dịch Covid -19.

CPI bình quân 4 tháng cao hơn mục tiêu
Diễn biến CPI bình quân trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy vẫn còn cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho cả năm. Dù lạm phát đã liên tục giảm xuống qua các tháng và nếu xu hướng này còn tiếp tục trong các tháng còn lại chúng ta vẫn có thể thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 2 nhóm có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung. Tăng cao nhất là giá thực phẩm (tăng 13,64%), chủ yếu do giá thịt lợn chỉ giảm nhẹ trong tháng 3 (giảm 0,89%), nhưng sau đó lại tăng trở lại trong tháng 4 (tăng 0,62%), mặc dù lượng nhập khẩu thịt lợn lớn. Tiếp đến là giá ăn uống ngoài gia đình (tăng 7,41%), chủ yếu do giá thịt lợn tăng, mặc dù tháng 3 đã giảm nhẹ (giảm 0,01%), tháng 4 tăng (tăng 0,13%).
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro.  Ảnh: Thanh Hải
Có 7 nhóm tăng thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung. Cụ thể lương thực tăng 2,39%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,75%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,4%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,25%; Giáo dục tăng 4,52%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%... Trong đó có một số mặt hàng giá tháng 4 đã giảm so với tháng 3 như may mặc, giày dép và mũ nón giảm 0,17%; Giao thông giảm 13,84%; Bưu chính viễn thông giảm 13,84%; Bưu chính viễn thông giảm 0,2%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%...
Nhiều yếu tố tác động lên xu thế tăng của CPI
Thống kê cho thấy, trong 4 năm qua, sản xuất hàng hóa đã cao hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng, thể hiện ở xuất siêu hàng hóa liên tục trong 4 năm. Bước sang quý I/2020, tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng tiếp tục thấp hơn tốc độ tăng GDP. Điều này làm cho GDP có quy mô lớn hơn sử dụng, thể hiện ở xuất siêu hàng hóa và dịch vụ.
Tính chung 4 tháng, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu hàng hóa và cao hơn cùng kỳ năm trước (3,041 tỷ USD so với 961 triệu USD). Sản xuất lớn hơn sử dụng là yếu tố cơ bản để CPI giảm. Khi dịch Covid-19 xảy ra và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, cả sản xuất và sử dụng cũng như xuất, nhập khẩu và xuất, nhập siêu đều bị tác động, nhưng khác nhau về mức độ thời gian, ở các ngành, lĩnh vực, vùng, quy mô tổ chức sản xuất, kinh doanh… Mặc dù xuất khẩu tăng, nhưng tốc độ tăng thấp. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã loại giá bị giảm 9,6%, nên đã làm cho CPI khó tăng cao.
Quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất của những ngành có tác động quan trọng đến CPI đã tăng khá cao (như nông nghiệp tăng 7,83%, khai khoáng tăng 6,35%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,94%, dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 4,15%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 3,58%,…). Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất sử dụng cho nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,69%, cho điện, hơi nước tăng 7,93%,…
Tỷ giá thương mại mang dấu âm (giảm 0,61%), chứng tỏ tỷ giá có lợi cho nhập khẩu hơn là cho xuất khẩu. Do các nước giảm mạnh lãi suất cơ bản, phá giá mạnh đồng nội tệ, tung ra hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ USD để phòng chống, dịch Covid-19 và ngăn chặn sự suy giảm kinh tế nên giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ tăng, làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng kép (vừa tăng khi tính bằng USD, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).
Một yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là yếu tố tiền tệ- tài chính. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã ở mức trên 135%, nay lại thêm gói tín dụng và gói tài khóa để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ làm cho lượng tín dụng và tiền tệ đưa ra lưu thông khá lớn. Khi tiền lớn hơn hàng thì theo quy luật giá trị hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng cao hơn.
Tổng hòa các yếu tố trên, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2020 có khả năng sẽ cao hơn năm trước, thậm chí có thể cao hơn mục tiêu, nhưng mức cao hơn không lớn.
Mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2020 đã được cân nhắc trên nhiều mặt. Một mặt cao hơn CPI bình quân năm trong thời kỳ 2016 - 2019 (năm 2016 tăng 2,66%, 2017 tăng 3,54%, 2018 tăng 3,54%, 2019 tăng 2,79%; bình quân thời kỳ 2016 - 2019 tăng 3,13%). Mặt khác xu hướng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần