Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ không chỉ trông vào Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/3, Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTV Quốc hội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra từ quy định pháp luật và việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của cán bộ, công chức, viên chức”.

Là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ chế kiểm soát TSTN hiện nay vẫn nặng về kê khai và xác minh TSTN, xử lý hành vi kê khai không trung thực mà chưa tiếp cận kiểm soát có hiệu quả ngay khi phát sinh nguồn thu nhập, kiểm soát cả việc chi tiêu dùng, chi đầu tư. Việc còn hình thức này là lý do khiến tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng vừa qua thấp, thậm chí, ngay bản thân các tài sản do tòa án tuyên bố buộc phải thu hồi cũng chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với những tài sản “lẽ ra” phải thu hồi trên thực tế.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn không thể chỉ trông chờ vào các quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng, mà cần phối hợp nhiều biện pháp, tạo một cơ chế đồng bộ và có sự kết nối giữa các phương thức hiện nay. Cụ thể như về minh bạch TSTN, về nộp thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng; tạo sự kết nối giữa các phương thức trên trong việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo cách tiếp cận này, các ý kiến cho rằng, có 3 “khúc” để kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức, viên chức gồm: Kiểm soát từ các nguồn phát sinh thu nhập (kiểm soát đầu vào); kiểm soát thông qua việc kê khai tài sản và kiểm soát các khoản chi có giá trị lớn (kiểm soát đầu ra). Cả 3 khâu này cần có sự liên thông với nhau, làm đối chứng cho nhau trong quá trình kiểm soát. Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi không trung thực trong việc kê khai quà tặng của người có chức vụ, quyền hạn.
Đồng thời, một biện pháp quan trọng cũng được đề xuất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn thống nhất trên toàn quốc, nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như việc xác minh TSTN, khắc phục tình trạng các bản kê khai được thực hiện xong rồi để đấy.