Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán 198 đầu mối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kế hoạch kiểm toán năm 2015, sẽ tiến hành kiểm toán 198 đầu mối bao gồm: 19 bộ, cơ quan Trung ương; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Dự án, doanh nghiệp, ngân hàng.

Ngày 20/3, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kế hoạch kiểm toán năm 2015, sẽ tiến hành kiểm toán 198 đầu mối bao gồm: 19 bộ, cơ quan Trung ương; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Dự án, doanh nghiệp, ngân hàng.

Nhằm đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi Ngân sách Nhà nước (NSNN), xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2014, làm căn cứ cho HĐND, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2014, năm nay KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 198 đầu mối. 

Trong đó có 19 bộ, cơ quan Trung ương, 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 48 dự án đầu tư, 35 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước, 14 chuyên đề, 8 chủ đề kiểm toán hoạt động, 17 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng, 6 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014.

Kế hoạch kiểm toán cụ thể trong năm được KTNN triển khai đối với lĩnh vực NSNN, KTNN đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2014.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Đối với lĩnh vực đầu tư, KTNN tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư và các công trình đầu tư của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong năm 2014 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Đặc biệt chú trọng đánh giá: Tính hiệu lực, hiệu quả việc quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn Trái phiếu Chính phủ; Những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; Công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước và công tác giám sát đầu tư nhằm cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác quản lý điều hành của Chính phủ đối với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công.

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, KTNN đi sâu vào kiểm toán bảo hiểm, tài chính, tiền tệ,  các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn năm 2014. Trong đó, tập trung kiểm toán đánh giá thực trạng tài chính năm 2014, việc chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ bảo đảm sự ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng, thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

KTNN sẽ kiểm toán 35 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước,  tổng công ty lớn như, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam… về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015, việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất và thị trường, giải quyết hàng tồn kho, tình hình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình.

Với mục tiêu “tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán”, hoạt động kiểm toán của KTNN năm nay sẽ lồng ghép chuyên đề trong các cuộc kiểm toán tại địa phương và được xác định một cách thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo nguồn nhân lực, thời gian phù hợp.

Trong tổng số 14 chuyên đề độc lập được lựa chọn đưa vào kế hoạch có một số chuyên đề được dư luận xã hội cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm như: Công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ năm 2014, Công tác phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014, công tác quản lý nợ công…./

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần