Kiểm tra chuyên ngành tiếp tục bị kêu

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Thừa nhận những nỗ lực của cơ quan hải quan trong cải cách, hiện đại hóa, nhưng nhiều DN vẫn phàn nàn về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020 (ngày 26/9), nhiều ý kiến DN cho rằng, nếu chỉ riêng cơ quan hải quan nỗ lực thì chưa đủ để đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.
Đơn giản hóa - đường còn dài
Kết quả khảo sát 500 DN của Tổng cục Hải quan cho thấy, cộng đồng DN đánh giá khá cao về nỗ lực cải cách hiện đại hóa của ngành hải quan đã đem lại hiệu quả trong thực tế, mức độ đánh giá tốt đều trên 85%. Tuy nhiên, nhiều DN cũng phản ánh khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến các bên liên quan khác như cơ quan kiểm tra chuyên ngành, hãng tàu, DN kinh doanh kho bãi, cảng…

Làm thủ tục thông quan cho DN tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Phạm Hậu

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Tương, hiện nay, khi kiểm tra các thủ tục ở cửa khẩu biên giới, thủ tục hải quan chiếm 28%, còn lại là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Vì thế, cải cách không chỉ thực hiện ở ngành hải quan mà phải hiện đại hóa ở tất cả các bên có liên quan. Có như vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho DN mới đạt hiệu quả.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Hải quan cho hay, 13% DN được khảo sát cho rằng thời gian hoàn thành từ kiểm tra chuyên ngành còn kéo dài. 59% đánh giá là bình thường. 14 -18% cho rằng số hồ sơ kiểm tra chuyên ngành chưa đơn giản và hơn 50% đánh giá mới đơn giản được một phần.
Có tới trên 8 bộ liên quan
Trả lời thắc mắc này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, kiểm tra chuyên ngành liên quan tới nhiều bộ và hiện nay là trên 8 bộ có liên quan. Tổng cục đang làm việc với các bộ chuyên ngành để làm sao giảm danh mục hàng hóa yêu cầu kiểm tra, giảm thủ tục và áp dụng quản lý rủi ro, không phải lô hàng nào cũng phải kiểm tra (có thể chọn tỷ lệ ngẫu nhiên hoặc công nhận kiểm tra lẫn nhau). Tuy nhiên, hiện vướng nhất và tập trung ở những bộ có trách nhiệm quản lý rộng như Bộ Y tế; Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Đây là những bộ quản lý rất nhiều lĩnh vực phải kiểm tra chuyên ngành như vấn đề ATTP; kiểm tra chất lượng; thiết bị y tế; hóa mỹ phẩm và liên quan đến kiểm dịch... Tổng cục Hải quan cũng đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các bộ để rà soát toàn bộ văn bản kiểm tra chuyên ngành, rà soát danh mục; phương pháp kiểm tra; thực hiện cơ chế phối hợp giữa hải quan và cơ quan chuyên ngành về việc trao đổi thông tin về cấp giấy phép điện tử. Dựa trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thông quan.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, trong kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020,  ngành hải quan đặt mục tiêu đến năm 2020, người khai hải quan có thể thực hiện khai báo mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện với thời gian 24/7. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ với hàng hóa nhập khẩu. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đối với 100% thủ tục hải quan chủ yếu (mức độ 3 hoặc 4 tương ứng với từng thủ tục). Sự hài lòng của DN với thủ tục hành chính trên lĩnh vực hải quan ít nhất đạt 70% trở lên tại các chỉ số chính thuộc các chỉ tiêu: Tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Qua tham vấn ý kiến, cơ quan quan hải quan sẽ ghi nhận những ý kiến, đánh giá về hoạt động cải cách, tạo thuận lợi của cơ quan hải quan trong thời gian qua, những nội dung cần cải cách và mong muốn kỳ vọng của DN đối với cơ quan hải quan nhằm triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần