Kiểm tra nồng độ cồn, ma túy với lái xe: Còn nhiều khó khăn, thách thức

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với lái xe khách, xe tải còn không ít khó khăn. Nếu không kiên trì, linh hoạt, công tác kiểm tra sẽ khó đạt kết quả toàn diện.

 Kiểm tra nồng độ cồn với lái xe trên đường Xuân Thủy. Ảnh: Duy Khánh
Ông có thể cho biết về chiến dịch kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý đối với lái xe khách, xe tải trên địa bàn TP?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND TP và Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm tới nay, nhiều Tổ công tác liên ngành Thanh tra GTVT - CSGT đã được triển khai tại các bến xe lớn và một số tuyến đường, địa bàn trọng điểm. Mục đích là kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật khi điều khiển ô tô kinh doanh vận tải, tham gia giao thông đối với lái xe. Trong đó, đặc biệt có sự tham gia của lực lượng chuyên ngành y tế, nhằm phát hiện, xử lý các lái xe sử dụng chất ma tuý.

Hiệu quả kiểm tra thời gian qua như thế nào, thưa ông?

- Công tác kiểm tra được thực hiện đột xuất với lái xe tại các bến hoặc trên đường. Thậm chí, chúng tôi còn yêu cầu lái xe lấy mẫu nước tiểu ngay bên cạnh bàn kiểm tra, trong tầm nhìn để tránh tình trạng đánh tráo, qua mặt lực lượng chức năng. Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, các Tổ liên ngành Thanh tra GTVT - CSGT đã hoạt động rất hiệu quả thời gian qua. Trước hết là phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, dương tính với ma tuý điều khiển ô tô khách, ô tô tải tham gia giao thông. Quan trọng hơn là hiệu quả răn đe, nhắc nhở đối với cả DN lẫn các lái xe.

Quá trình kiểm tra liên ngành có gặp khó khăn nào không, thưa ông?

- Từ trước tới nay, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối lái xe khách, xe tải vốn đã không dễ dàng, nay lại càng phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp. Nhiều tài xế tỏ ra thiếu thiện chí, bất hợp tác với lực lượng liên ngành, thậm chí là chống đối. Nhất là các tài xế xe tải bị kiểm tra đột xuất trên đường. Họ sẵn sàng khoá cửa xe bỏ đi hoặc cố tình chống đối. Hoặc khi có tin báo liên ngành lập chốt kiểm tra, nhiều xe tìm đường nhỏ, đường tắt để né tránh.

Bên cạnh đó, các công cụ, thiết bị hỗ trợ phát hiện lái xe sử dụng chất ma tuý còn chưa thực sự hiệu quả. Thông thường, khi mẫu nước tiểu của lái xe cho kết quả dương tính, chúng tôi vẫn yêu cầu lái xe ngừng điều khiển phương tiện. Nhưng muốn khẳng định chắc chắn lái xe có dùng ma tuý không thì phải đưa mẫu máu về xét nghiệm tại các cơ sở y tế, tối thiểu 2 ngày sau mới có kết quả. Quá trình này gây khó cho lực lượng chức năng trước phản ứng từ phía các lái xe.

Theo ông, phải có những giải pháp nào để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng lái xe khách, xe tải sử dụng bia, rượu, ma tuý?

- Hiện nay, không ít DN vận tải vẫn chưa xem trọng công tác quản lý, giám sát lái xe. Hà Nội có hơn 8.000 DN vận tải, hàng vạn lái xe. Nếu DN không phát huy vai trò quản lý, tính tự giác thì công tác kiểm tra trên đường của lực lượng chức năng sẽ chỉ như muối bỏ bể. Do đó, trước hết các DN vận tải phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ việc giám sát lái xe là vì lợi ích của chính mình. Từ đó có các biện pháp hữu hiệu quản lý người lao động. Mặt khác, lực lượng chức năng cần được hỗ trợ toàn diện từ các đơn vị hữu quan. Cụ thể, được trang bị thêm các thiết bị, công cụ hỗ trợ phát hiện nhanh, chính xác việc sử dụng ma tuý của người lái xe. Đồng thời nâng mức xử phạt đối với lái xe, DN lên thật cao để tăng tính răn đe…

Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 1/4 - 28/5, liên ngành Thanh tra GTVT - CSGT đã tiến hành kiểm tra 774 phương tiện (561 xe khách, 213 xe tải); xử phạt 7 trường hợp số tiền là 272.700.000 đồng. Kiểm tra 1.003 lái xe (772 lái xe khách, 231 lái xe tải), phát hiện 7 trường hợp dương tính với chất ma túy (3 lái xe khách, 4 lái xe tải). Đoàn kiểm tra đã chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý và yêu cầu DN chấm dứt hợp đồng lao động đối với người vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần