Kiểm tra xe điện nhái mẫu mã PEGA: Nảy sinh tranh chấp kiểu dáng công nghiệp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP Xe điện toàn cầu PEGA (Công ty PEGA) đã gửi đơn đến Bộ Công Thương đề nghị ngăn chặn việc Công ty CP Thương mại quốc tế Phú Sỹ (Công ty Phú Sỹ) đưa ra thị trường sản phẩm xe điện nhái kiểu dáng công nghiệp sản phẩm của Công ty PEGA.

Tuy nhiên, Công ty Phú Sỹ lại cho rằng kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm xe điện PEGA không có tính năng mới nên đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (BĐQ KDCN) xe điện đã cấp cho Công ty PEGA.
Kiểu dáng Pega là bản sao hàng Trung Quốc?
Trong đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ BĐQ KDCN số 24079 cho kiểu dáng xe đạp điện số 3-2016-00504 cấp cho Công ty CP Xe điện quốc tế HKBike.LTT (nay là Pega), Công ty CP Thương mại quốc tế Phú Sỹ cho rằng đây là bản sao, hay nói cách khác là không có sự khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe đạp điện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp BĐQ KDCN số 21511 (ngày nộp đơn 17/11/2014). Như vậy, kiểu dáng theo đơn số 3-2016-00504 đã hoàn toàn mất tính mới, không đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sản xuất xe điện PEGA tại nhà máy đặt tại Bắc Ninh. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời, qua tra cứu trên trang web của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, Công ty Phú Sỹ phát hiện kiểu dáng xe đạp điện này được Công ty PEGA nộp ngày 25/3/2016 hoàn toàn giồng với kiểu dáng công nghiệp đã được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấp ngày 8/3/2016 cho người nộp đơn là ông Zhu Yiping và tác giả là Zhang Qingfeng. Như vậy, kiểu dáng công nghiệp của xe đạp, xe máy điện theo số đơn số 3-2016-00504 chính là bản sao kiểu dáng đã được nộp tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc.
Từ những căn cứ đó, Công ty CP Thương mại Quốc tế Phú Sỹ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét việc hủy bỏ hiệu lực BĐQ KDCN bảo hộ kiểu dáng “xe đạp điện” cấp ngày 21/6/2017 cho Công ty PEGA. Tại đơn đề nghị, Giám đốc Công ty CP Thương mại Quốc tế Phú Sỹ Phạm Tuấn Anh nêu rõ: “Việc hủy văn bằng bảo hộ số 24079 cho đơn kiểu dáng số 3-2016-00504 sẽ đảm bảo quyền và lợi ích của Công ty cũng như các DN kinh doanh xe điện hiện nay, tránh việc đăng ký kiểu dáng độc quyền nhằm thâu tóm thị trường xe đạp điện cạnh tranh không lành mạnh.”
Pega nói gì về phản đối của Phú Sỹ
Trước những ý kiến của Công ty Phú Sỹ cho rằng kiểu dáng công nghiệp xe đạp điện Pega chỉ là bản sao sản phẩm Trung Quốc, Công ty PEGA đã có nhiều công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó nêu rõ: Sản phẩm xe điện nhãn hiệu PEGA kiểu dáng công nghiệp số 3-2016-00504 có những khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ Bằng độc quyền kiểu dáng số 215111 của PEGA.
Đối với kiểu dáng công nghiệp đã được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấp giấy chứng nhận CN 303754766S, chính là kiểu dáng công nghiệp mà Công ty PEGA nhờ đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc, qua đó tránh tình trạng DN Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Ngay sau khi được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấp giấy chứng nhận, ngày 18/8/2016 ông Zhu Yiping và tác giả là Zhang Qingfeng đã làm thủ tục chuyển giao quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp cho Công ty PEGA. Từ những lập luận này, Tổng Giám đốc Công ty PEGA Lê Thị Lan Hương khẳng định, kiểu dáng công nghiệp xe đạp điện số 3-2016-00504 đủ điều kiện cấp bằng độc quyền và bảo hộ.
Mặc dù Công ty PEGA đã khẳng định kiểu dáng công nghiệp xe đạp điện PEGA có nhiều nét mới và đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, tuy nhiên, việc Công ty Phú Sỹ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ thu hồi BĐQ KDCN bảo hộ kiểu dáng “xe đạp điện” của Công ty PEGA, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã có công văn đề nghị Công ty PEGA trong thời gian 2 tháng có ý kiến về vấn đề này. Trong trường hợp không nhận được ý kiến đúng hạn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét lại hiệu lực BĐQ KDCN số 2407 theo quy định pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Sau khi nhận được kiến nghị của Công ty PEGA, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh vừa kiểm tra 4 cơ sở buôn bán xe điện có dấu hiệu vi phạm bản quyền sản phẩm xe điện của Công ty PEGA tạm thu giữ trên 30 sản phẩm. Tuy nhiên do có DN đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ rút giấy Chứng nhận quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp nên lực lượng chức năng phải tạm dừng kiểm tra, xử lý. Có như vậy là do điều 27, điều 28 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp nêu rõ: Trong quá trình xử lý vụ việc tranh chấp quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, lực lượng chức năng phải tạm dừng kiểm tra xử lý chờ cơ quan giám định công bố kết quả thẩm định DN có bị vi phạm sở hữu kiểu dáng công nghiệp hay không. Trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm có văn bản rút yêu cầu xử lý vi phạm để 2 bên tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc, lực lượng chức năng cũng dừng kiểm tra, xử lý.
Khi có bên thứ 3 phản đối cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ phải thẩm định lại và DN bị phản đối phải chứng minh những nội dung căn cứ phản đối là hoàn toàn không đúng. Để làm được điều này đòi hỏi DN bị phản đối phải chuẩn bị rất kỹ mọi thủ tục, giấy tờ chứng minh kiểu dáng công nghiệp của DN là hoàn toàn mới và phải xử lý hết mọi nội dung phản đối. Lúc đó Cục Sở hữu trí tuệ mới có thể giải thích hết cho các bên thoải mái rồi mới đưa ra quyết định tiếp tục cấp hoặc thu lại giấy chứng nhận độc quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần