Kiến ba khoang tấn công các khu dân cư: Phòng tránh thế nào?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Trong vài tuần trở lại đây, kiến ba khoang lại hoành hành tại các khu dân cư ở Hà Nội. Kể cả các khu chung cư cao tầng cũng bị kiến ba khoang tấn công.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi xuất hiện các vết phồng, rộp ở da bất thường cần phải xử lý đúng cách, tránh sử dụng sai thuốc gây viêm loét da.
Người dân bất an
Bên cạnh nỗi lo dịch sốt xuất huyết bùng phát, thời điểm này, kiến ba khoang liên tục tấn công các khu dân cư khiến người dân cảm thấy bất an, nhất là những gia đình có con nhỏ. Ngủ dậy, chị Hoàng Thu Linh (khu chung cư Yên Hòa, Cầu Giấy) phát hiện con trai 3 tuổi bị mấy vết phỏng ở mặt và cánh tay, tưởng con mình bị bệnh zona do thời tiết thay đổi. Khi đi khám, bác sĩ kết luận, con chị bị viêm da nghi do côn trùng đốt. Đến tối, chị tá hỏa khi thấy kiến ba khoang xuất hiện trong phòng ngủ, phòng tắm và cả phòng khách. Ngoài con trai, chồng chị cũng bị các vết phồng rộp ở mặt, cổ. Sau dùng thuốc 4 ngày, các vết phồng rộp đã xẹp xuống và bớt sưng tấy, nhưng lại để lại các vết sẹo trên cơ thể.

Sử dụng cửa lưới chống côn trùng là biện pháp tốt để phòng chống  kiến ba khoang.

Tương tự, tại khu chung cư CT6, Xa la, Hà Đông, nhiều trẻ nhỏ, người lớn bị kiến ba khoang hoành hành. Tưởng ở tầng cao (tầng 30) không lo bị kiến ba khoang bay vào, chị Trần Nguyệt Ánh chủ quan, buổi tối lúc nấu ăn mở cửa ban công cho thoáng nhà, không ngờ ánh đèn điện đã thu hút kiến ba khoang vào làm cho 2 con chị bị rộp da, sưng tấy. Trong mấy ngày qua, trên trang facebook của cộng đồng CT6 Xa La liên tiếp cập nhật vấn đề kiến ba khoang tấn công chung cư. Có gia đình 4 người thì cả bốn đều bị kiến ba khoang đốt. Có gia đình có trẻ nhỏ mới 2 tháng tuổi bị viêm da phải đi bệnh viện khám cũng bởi thủ phạm là kiến ba khoang. Tại trang facebook này, nhiều người chia sẻ cách diệt kiến ba khoang cũng như các thuốc sử dụng cần thiết khi bị kiến tấn công.
Ngoài các khu chung cư cao tầng, nhiều gia đình gần các cánh đồng cũng ám ảnh bởi kiến ba khoang. Anh Phan Anh Tú (thuê trọ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) phải đưa con trai vào Bệnh viện Da liễu T.Ư khám vì dọc cánh tay phải bị phồng rộp, chảy nước, các vết thương bắt đầu sưng mủ. Anh cho biết, đây là lần đầu tiên nhà anh xuất hiện kiến ba khoang, tuy nhiên, do chủ quan nên khi con có các hiện tượng da sưng tấy, anh chỉ bôi kem dưỡng làm mềm da, không ngờ càng bôi, da bé càng sưng lên, mọng nước. Cũng theo anh Tú, gần nhà anh có nhiều gia đình khác cũng bị kiến ba khoang tấn công.
Sử dụng lưới chống côn trùng
Theo Viện Sốt rét Ký sinh trùng T.Ư, kiến ba khoang thường xuất hiện, phát triển mạnh hơn vào mùa Thu với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Do đặc tính bị thu hút bởi ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng trắng nên những khu dân cư ở đô thị, nhà cao tầng là những địa điểm mà chúng thường bay đến.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hiền (Bệnh viện Da liễu T.Ư) khuyến cáo, nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, người dân tuyệt đối không nên dùng tay “giết chết”, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc lấy giấy vệ sinh bắt ra. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu bị kiến ba khoang đốt, rửa sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước. Nếu có hiện tượng da phồng rộp lan rộng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nên đưa bệnh nhân đi khám để bác sĩ chỉ định điều trị tùy vào mức độ tổn thương da. Độc chất từ kiến ba khoang gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da. Ban đầu, người bệnh cảm thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ đỏ cộm thành vệt nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1 - 5mm, 1 - 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này, người bệnh có cảm giác đau rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu...
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu người dân thấy kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; Nên ngủ trong màn; VSMT, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này; Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.