Kiên định "đánh dập" Covid-19, tăng trách nhiệm cho địa phương

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Do thực tế dịch Covid-19 diễn biến ở mỗi địa phương một khác, Thủ tướng trao cho các tỉnh, thành phố thêm quyền hạn tự quyết, tự chịu trách nhiệm nhất định về thời hạn cách ly xã hội.

Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giãn cách xã hội tại phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chiều 15/4 cho thấy Việt Nam tiếp tục kiên định chiến lược "đánh dập" Covid-19 đã được áp dụng ngay từ khi ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Tuy nhiên, do thực tế dịch Covid-19 diễn biến ở mỗi địa phương một khác, Thủ tướng trao cho các tỉnh, thành phố thêm quyền hạn tự quyết, tự chịu trách nhiệm nhất định về thời hạn giãn cách xã hội cũng như một số biện pháp phòng, chống dịch cụ thể tại địa phương mình.
Lắng nghe ý kiến của các cấp, các ngành
Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh...
Nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19 gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Các tỉnh, thành phố trong nhóm này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa.
Nhóm có nguy cơ về dịch Covid-19 gồm Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Nhóm này cần có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg, căn cứ tình hình thực tiễn đến ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ thấp về dịch Covid-19 gồm các tỉnh còn lại. Tại đây nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, do đó các địa phường thuộc nhóm này cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, cũng trong ngày 15/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện quy định về cách ly xã hội sau ngày 15/4.
Ban Chỉ đạo quốc gia đề xuất phân loại các địa phương thành ba nhóm - nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: đầu mối giao thông, mật độ di chuyển; có biên giới; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp; năng lực chống dịch của cấp ủy, chính quyền…
Ban Chỉ đạo quốc gia kiến nghị Thủ tướng tiếp tục áp dụng biện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm ít nhất một tuần tại những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia, tùy điều kiện, mức độ nguy cơ của từng địa phương mà lãnh đạo các tỉnh, thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong trường hợp thật cần thiết sẽ được tổ chức theo các hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.
Tại những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp thì một số hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ.
Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Còn ở trong nước, tùy vào mức độ, nguy cơ mà từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể về việc đi lại của người dân sau khi có sự thống nhất với Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vân tải.
Cũng trong ngày 15/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá kết quả sau 2 tuần thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chủ trương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ trên địa bàn Thủ đô.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, TP Hà Nội quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thủ đô ít nhất đến ngày 22/4.
Hà Nội là điểm nóng nhất về dịch Covid-19 với 113 ca mắc (51 bệnh nhân đã khỏi và 62 bệnh nhân đang được điều trị), trong đó có 40 ca phát hiện tại sân bay/khu cách ly tập trung và 73 ca phát hiện tại cộng đồng (đều liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai).
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã trao thêm quyền hạn và đi cùng đó là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các tỉnh, TP.
Các địa phương giờ đây có thẩm quyền đề ra và thực hiện các biện pháp đặc thù của địa bàn mình, dựa trên nhâng lực, vật lực của mình để phòng, chống dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh.
Dĩ nhiên, các biện pháp này phải nằm trong "dòng chảy" chiến lược chống dịch chung của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia.
 Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt người đi đường tại thành phố Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Một số sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết ở địa phương vẫn có thể được xem xét tổ chức nhưng người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước người dân về sự an toàn từ góc độ dịch tễ trong điều kiện vẫn còn nguy cơ dịch bệnh.
Các tỉnh có nguy cơ thấp về dịch Covid-19 có thẩm quyền cho hoạt động trở lại một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà các địa phương khác chưa được phép, nhưng phải đảm bảo điều kiện an toàn dịch tễ.
Quyết liệt, dứt điểm trong từng "trận đánh"
Việt Nam quyết liệt giành chiến thắng trong từng "trận đánh," từng giai đoạn chống Covid-19.
Trong giai đoạn một của diễn tiến dịch bệnh, mục tiêu của Việt Nam là chữa khỏi 16 ca mắc đầu tiên, không có ca tử vong.
Tối 23/1 (29 Tết Canh Tý), Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh xác nhận hai bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Họ làm virus lây sang một nữ nhân viên khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Tiếp đó một Việt kiều về TP Hồ Chí Minh sau khi bị nhiễm virus trong khi quá cảnh tại sân bay Vũ Hán (Trung Quốc).
Ở phía Bắc, ổ dịch đầu tiên khởi phát từ 6 người là nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nihon Plast (Nhật Bản) được cử sang TP Vũ Hán để tập huấn.
Ngay khi phát hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngày 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ra lệnh kích hoạt Trung tâm Phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch.
Ngày 6/2, tất cả các tỉnh, TP cho học sinh nghỉ học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề cũng cho sinh viên nghỉ ở nhà. Ngày 12/2 toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) bị cách ly.
Ngày 25/2, một tháng sau khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện, toàn bộ 16 bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn một ở Việt Nam đều được chữa trị khỏi bệnh.
"Trận đánh" tiếp theo là giai đoạn hai, khi dồn dập các ca bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Mọi việc bắt đầu từ ngày 6/3, sau khi Việt Nam không có bệnh nhân mới trong suốt 21 ngày.
Mở màn giai đoạn này là bệnh nhân số 17 của Việt Nam và là bệnh nhân đầu tiên của Hà Nội, nhập cảnh từ Anh. Ngoài bệnh nhân số 17 thì chuyến bay VN0054 cũng mang từ Anh về Việt Nam 20 ca nhiễm SARS-CoV-2…
Trong giai đoạn này Việt Nam vẫn áp dụng chiến lược phòng, chống dịch là phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Cả 2 ổ dịch tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) và tỉnh Bình Thuận đều được phong tỏa ngay sau khi phát hiện các bệnh nhân 17 và 34.
Ngày 17/3, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong 30 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3. Chiều 19/3, Vietnam Airlines thông báo tạm dừng tất cả đường bay quốc tế đến hết ngày 30/4.
Tiếp đến, ngày 21/3, Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22/3, đồng thời áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh.
Mục tiêu của giai đoạn này là làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh và hạn chế ở mức thấp nhất các ca tử vong. Chúng ta đã thành công - mô hình "9 ngày nhân 10 lần" không xảy ra ở Việt Nam.
Mức độ lây lan dịch Covid-19 trung bình trên thế giới là từ ca thứ 100 thì sau 9 ngày, số người mắc sẽ tăng thêm 10 lần. Theo cách tính đó, ngày 22/3, Việt Nam có 100 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì đến ngày 31/3 số bệnh nhân sẽ cán mốc 1.000. Tuy nhiên, trên thực tế, đến sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận 204 người mắc bệnh và không có ca tử vong. Trong số này đã có 57 người được xuất viện hoặc được công bố khỏi bệnh.
Việt Nam bước vào gian đoạn ba chống dịch Covid-19 từ cuối tháng Ba, khi xuất hiện nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng, mất dấu F0.
Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố ba bệnh nhân 86, 87 (đều là nữ điều dưỡng viên của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và 91 (phi công của Vietnam Airlines về từ Anh). F0 của ba bệnh nhân này đều không được phát hiện.
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg. Chỉ thị nêu rõ thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447/QĐ-TTg việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Trận đánh thứ ba chưa kết thúc, nhưng những tín hiệu tích cực đã bộc lộ khi các ổ dịch ở TP Hồ Chí Minh (quán bar Buddha) và Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) được kiểm soát chặt chẽ, các ca F1, F2 được tìm kiếm và cách ly dưới nhiều hình thức.
Riêng đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh để hỗ trợ khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm; từ ngày 12/4, có 9 chốt kiểm soát tại khu vực ổ dịch được thành lập, toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.872 khẩu (2.973 hộ dân) được khoanh vùng cách ly từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5/2020 (28 ngày).
Tính đến sáng 16/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca mắc Covid-19 (số ca xâm nhập từ nước ngoài chiếm gần 60%), trong đó 196 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, một số ca có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, không có ca tử vong.
Kiên định chiến lược "đánh dập" COVID-19
Chiến lược đánh "giặc" Covid-19 của Việt Nam là quyết liệt, dứt điểm ngay từ đầu, không để mình rơi vào thế bị động, loay hoay phản công. Điều này không chỉ do phía Việt Nam tuyên bố hay tự nhận mà được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Tờ Toàn cảnh Frankfurt (Đức) tóm gọn cách thức Việt Nam chống dịch trong mấy từ "phản ứng sớm, kịp thời và dứt điểm - đóng cửa trường học, siết chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, tìm kiếm những người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (F1, F2, F3...) với người bệnh.
Hãng truyền thông Deutsche Welle (Làn sóng Đức) gọi chiến lược chống dịch của Việt Nam là không để virus SARS-CoV-2 "lợi dụng" sự bất lợi và yếu thế về nguồn lực và đầu tư y tế, nghĩa là Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh dù có nguồn lực hạn chế nhờ áp dụng những biện pháp cách ly chặt chẽ và truy vết tất cả những người có khả năng bị phơi nhiễm, nỗ lực tối đa để số ca mắc bệnh ở mức tối thiểu.
Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha dẫn lời của ông Park Ki Dong, đại diện của WHO tại Hà Nội, kết luận Việt Nam thành công trong chống dịch cho đến thời điểm hiện tại là nhờ ba yếu tố - "có sự chuẩn bị trong thời bình; kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm; tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ."
 Tiếp tục tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Tờ Financial Times (Thời báo tài chính, Anh) nhắc tới việc Bộ Y tế Việt Nam hằng ngày gửi tin nhắn tới tất cả người sử dụng điện thoại về thông tin dịch bệnh, hướng dẫn phòng tránh và các quy định cần tuân thủ trong mùa dịch. Điều này giúp người dân có khả năng nhận thức cao về triệu chứng của Covid-19.
Dù sau ngày 15/4 việc cách ly xã hội có một số điều chỉnh thì các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong những ngày gần đây vẫn cho thấy Việt Nam kiên định với chiến lược chống dịch đã được đề ra ngay từ đầu là ưu tiên trên hết cho việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, bằng mọi cách ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần