Kiến Hưng, chuyện của những người chứng kiến trong đêm bom Mỹ dội xuống

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Chỉ sau 5 phút máy bay bỏ bom, nhiều nóc nhà đã tan hoang, hàng chục người chết thảm và bị thương”, đó là chi tiết được nhiều nhân chứng của khu dân cư Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông chia sẻ về những ngày Mỹ thực hiện trận Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội.

Ngôi làng chìm trong khói bom của giặc Mỹ

Những năm tháng chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, mỗi ngôi làng là một pháo đài, thành lũy bảo vệ cách mạng. Làng Mậu Lương và Đa Sỹ khi ấy ở ngoại thành Hà Nội, được một số cơ quan của TP sơ tán về đây, trong đó có Viện 103. Những nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng đã trở thành mục tiêu của Mỹ khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ trên không ở miền Bắc.
 Bà Nguyễn Thị Linh.
Cũng như mọi ngày, đêm ngày 21/12/1972 bà Nguyễn Thị Linh làm y tá tại Trạm xá xã Kiến Hưng (nay là phường Kiến Hưng) vẫn trực như thường ngày. Người bạn cùng trực tên Hằng nói với bà, nghe đâu đêm nay Mỹ bỏ bom làng Mậu Lương đấy. 2 người nằm trong căn hầm của Trạm xá, đến khoảng 3 giờ 45 sáng ngày 22/12/1972 thì bà Linh nghe thấy tiếng đùng đoàng. Bà gọi bạn, Hằng ơi “máy bay Mỹ bỏ bom vào làng thật rồi”. Bà nhìn thấy khói bốc lên nghi ngút phủ đen cả xóm làng. Máy bay Mỹ bỏ bom chỉ khoảng 5 phút. Tắt tiếng bom, chúng tôi chạy về làng Mậu Lương, nhiều nhà đã đổ tan hoang, người thì chết, người bị thương. Tôi chạy về, người nhà không ai làm sao. Sau đó tôi cùng mọi người đưa nạn nhân trong làng đi cấp cứu và mai táng.

Nối tiếp câu chuyện của bà Linh, ông Lê Ngọc Lưu, Chủ tịch Hội cựu chiến binh của phường Kiến Hưng chia sẻ: Khi ấy tôi đã 15 tuổi, thoát chết trong gang tấc. Nhà cửa bay hết, rất may người nhà tôi không có ai bị sao. Tôi nhìn xung quanh, nhà cửa tan tác, người dân hoang mang trước tình cảnh người chết, người bị thương. Có nhà ngay cạnh đó trúng bom chết mất 5 người còn 1, tan thương quá.

Theo những nhân chứng: Khi ấy thanh niên nam, nữ của làng đều xung phong đi bộ đội, làng chỉ còn lại người già trẻ em. Chỉ sau 5 phút, 2 làng Mậu Lương và Đa Sỹ của Kiến Hưng đã hứng chịu 76 quả bom, làm 54 người già, trẻ em, phụ nữ bị chết; 24 người bị thương, 196 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn và hàng trăm tấn lương thực, đồ dùng để dự trữ phục vụ cho đời sống nhân dân và cách mạng bị phá hủy.

Phát huy giá trị lịch sử

Ông Đặng Trần Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng cho biết: Để giáo dục truyền thống cách mạng và để mọi người dân phát huy giá trị lịch sử, lòng yêu nước của Nhân dân 2 làng, phường Kiến Hưng đã dựng bia căm thù tại ngay điểm bom Mỹ bỏ. Bây giờ Kiến Hưng xây dựng 2 ngôi trường Tiểu học, THCS Kiến Hưng. Mỗi dịp ngày lễ truyền thống, hoặc Tết, phường Kiến Hưng đều tổ chức các buổi giao lưu tọa đàm, thăm viếng những người đã khuất và giáo dục truyền thống cho các thế hệ về sau.
 Bia căm thù giặc Mỹ được đặt trước cổng trưởng Tiểu học và THCS Kiến Hưng, nhằm giáo dục truyền thống cách mạnh, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cho thế hệ trẻ.
Ngay trong dịp kỷ niệm 45 năm Kiến Hưng cũng đã cùng với Bảo tàng chiến thắng B52 tổ chức triển lãm ảnh tại trường THCS và nói chuyện với cán bộ của phường, giáo viên, học sinh trong trường về 72 ngày đêm và đặc biệt 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội.

Ông Lê Ngọc Lưu, Chủ tịch Hội cựu chiến binh của phường Kiến Hưng chia sẻ: Là cựu chiến binh, việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ giáo dục nhận thức được những thời điểm khó khăn mà người dân Hà Nội cũng như cả nước phải chịu đựng sự mất mát để giành lại độc lập cho dân tộc. Từ đó, để các em quyết tâm học tập trở thành người có ích xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
 Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và ngày truyền thống thành lập Quận đội Nhân dân VN, các Cựu chiến binh phường Kiến Hưng đã tổ chức buổi nói chuyện, giao lưu với ĐVTN và học sinh 2 trường. 
Đinh Thị Huyền Trang, ở phường Phúc La, đang là học sinh lớp 7C, trường THCS Kiến Hưng, chia sẻ: Khi mà máy bay B52 dội bom xuống Mậu Lương và Đa Sỹ. Bia căm thù tại đây, chúng em hiểu rằng mãi sau này tưởng nhớ đến những người đã khuất và tự hào về những chiến công oanh liệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Em sẽ tuyên truyền cho nhiều người chưa biết đến sự kiện này, đồng thời cố gắng học tập thật giỏi, vươn lên góp phần xây dựng đổi mới quê hương, đất nước.
 
Nguyễn Thị Phương Anh, lớp 7C, thăm bia căm thù cũng như được nghe kể chuyện về sự chiến đấu dũng cảm, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, em chia sẻ: Ngày nay chúng em nguyện học tập tốt để báo đáp sự hy sinh của cha mẹ cũng như những người đã hy sinh vì độc lập của dân tộc, rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi có ích cho xã hội, xây dựng đất nước giàu đẹp như lời Bác Hồ đã căn dặn học sinh.

Biến đau thương thành hành động, dựng bia căm thù tại ngay 2 cổng trường học, phường Kiến Hưng mong muốn thế hệ trẻ không thể quên những năm tháng chiến tranh giành độc lập của dân tộc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước trong đó có Hà Nội, từ đó, để thế hệ trẻ phấn đấu học tập, lao động sáng tạo xây dựng đất nước, Thủ đô giàu đẹp văn minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần