Kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa 110 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GD&ĐT

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đang đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 110 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chiếm 51,9% các điều kiện đầu tư kinh doanh ban đầu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá đây là chủ trương đúng đắn giúp loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo ra hành lang thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển.

 Toàn cảnh hội thảo sáng 15/5
Theo đó, Nghị định 46/2017/NĐ-CP có quy định điều kiện thành lập các cơ sở giáo dục mầm non phải có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được phê duyệt; trong đề án phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục… Bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết: “Phương án đề xuất của Bộ chủ quản là đề nghị bỏ điều kiện này vì theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời bỏ điều kiện về nội dung đề án vì đã được quy định rất cụ thể trong thành phần hồ sơ thành lập”. Tương tự, các điều kiện thành lập trường tiểu học, THCS, THPT, trường chuyên… cũng cần bãi bỏ vì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên từ góc độ nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng cần mạnh tay cắt giảm hơn nữa các ĐKKD trong lĩnh vực giáo dục, vì chỉ có như vậy mới tạo ra động lực để thu hút các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Khang , Hiệu trưởng trường PTTH Marie Curie (Hà Nội) dẫn lại câu chuyện năm 2014 khi một số nhà đầu tư làm thủ tục xin lập trường tiểu học thì cơ quan cấp giấy phép yêu cầu trong đề án phải có sẵn hồ sơ của mấy chục giáo viên tiểu học, có chứng chỉ dạy học. “Để đáp ứng các điều kiện này, các nhà đầu tư đã phải lập hồ sơ giả vì trường chưa thành lập thì sao đã tuyển được người” – ông Khang nói.

Tại sao phải làm khó các nhà đầu tư như vậy khi mà tinh thần của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo. “Tạo điều kiện cho các trường tư thục ra đời thì cũng cần tạo mảnh đất tươi tốt cho nó phát triển” – ông Khang kiến nghị.

Bên cạnh kiến nghị của ông Khang, đại diện các trường mầm non tư thục cũng lên tiếng phản hồi về một số quy định bất hợp lý đối với hệ giáo dục mầm non.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư để có phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình, trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới.