Kiến nghị ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/4, tại UBND quận Đống Đa, đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát đối với việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Bích Thủy, lãnh đạo quận Đống Đa và đại diện các cơ quan tư pháp của quận.
Toàn cảnh buổi giám sát.

Theo UBND quận, trong 3 năm 2015-2017, Tòa án Nhân dân (TAND) quận đã nhận được 22 đơn khởi kiện hành chính, trong đó 15 quyết định hành chính bị khiếu kiện và 7 hành vi hành chính bị khiếu kiện, đa số liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB. Cụ thể trong 3 năm, có 15 đơn khởi kiện trong lĩnh vực này, chiếm 68,2% tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Qua quá trình giải quyết đơn thư, hầu hết đương sự đã tự nguyện rút đơn khởi kiện. Trong 3 năm, đã thụ lý giải quyết 7 vụ án hành chính, với 6 vụ đã được giải quyết; không có quyết định hay hành vi hành chính bị khiếu kiện nào bị TAND quận tuyên bố là trái pháp luật.

Lãnh đạo UBND quận cũng chia sẻ, bên cạnh thuận lợi nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Viện KSND TP, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp quận, công tác chấp hành pháp luật về lĩnh vực này tại quận vẫn đang còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, trước hết là Điều 123 Luật Tố tụng hành chính quy định “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện; văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện KSND cùng cấp”, nhưng lại không quy định sao gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Viện KSND, nên Viện khó khăn trong thực hiện kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của TAND có đúng pháp luật hay không, dẫn đến hạn chế về thực hiện quyền kiện nghị của Viện KSND.

Bên cạnh đó, một tình trạng nổi bật là hầu hết việc tham gia vào các vụ án hành chính đều là những người đại diện của UBND song thường là người được ủy quyền tham gia tố tụng nên không nắm rõ được nội dung vụ việc, khiến thời gian giải quyết một vụ án hành chính thường tốn nhiều thời gian.

Từ thực tế tại địa phương, UBND quận kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát, giải quyết án hành chính, trước hết cần tăng cường công tác kiểm sát ngay từ khâu đầu tiên là kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện có đúng hay không, TAND thụ lý vụ án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, đối tượng khởi kiện, tư cách người tham gia tố tụng có đúng hay không, từ đó phát hiện vi phạm trong việc trả lại đơn khởi kiện, quá trình thụ lý, giải quyết vụ án để kịp thời có kiến nghị hoặc kháng nghị khắc phục vi phạm. Đặc biệt, quận đề nghị ban hành kịp thời các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính để tránh vướng mắc khi áp dụng vào vụ án hành chính cụ thể.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh: Đống Đa là một quận “lõi” với mật độ dân số cao nhất TP hiện nay, nên nảy sinh nhiều phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong GPMB thực hiện các dự án. Song, nhờ chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của TP nên công tác tố tụng hành chính trên địa bàn đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP đề nghị quận kiến nghị cụ thể hơn về các vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi để Ủy ban Tư pháp xem xét, tổng hợp trình Quốc hội.

Lắng nghe các ý kiến từ phía TP và quận Đống Đa, đoàn giám sát đánh giá cao kết quả chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính tại quận; các cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ TP đến quận.

Chia sẻ về nhiệm vụ của lãnh đạo UBND quận rất nặng nề thì để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia tố tụng, thực hiện được cơ chế ủy quyền tham gia tố tụng để tránh hình thức, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, rất cần sự cố gắng lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị: Để người đại diện thực hiện tốt nhiệm vụ tố tụng trước TAND, rất cần cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu nâng cao trách nhiệm, phải vào cuộc tích cực từ khi nhận được thông báo thụ lý của TAND, để người đại diện thực hiện tốt nhiệm vụ, giúp TAND giải quyết nhanh, đúng thời hạn các vụ án.

Đồng thời, đề nghị UBND và lãnh đạo các cơ quan tư pháp quận tăng cường chỉ đạo các thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trong cơ quan và người dân.

Giải đáp cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đoàn giám sát cũng cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến từ quận để có báo cáo tổng hợp, kiến nghị với UBTV Quốc hội và cũng có kiến nghị trở lại với HĐND-UBND và các cơ quan tư pháp quận để tiếp thu, nghiên cứu; đồng thời, sẽ chuyển đến các cơ quan tư pháp T.Ư để kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần