Kiến nghị cử tri Hà Nội gửi tới Kỳ họp Quốc hội: Nhiều vấn đề xã hội được đề cập

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Cùng với rất nhiều kiến nghị của cử tri cả nước, theo tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, gần 30 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

 Cử tri huyện Hoài Đức phát biểu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội ngày 16/5. Ảnh: Thanh Hải
Xử nghiêm các hành vi vi phạm 
Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri Hà Nội ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, nhất là của ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, cán bộ cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Cùng với đó là sự đoàn kết, ủng hộ của người dân, cử tri cũng ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã có giải pháp nhằm ổn định thị trường, kịp thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ đến DN và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là triển khai kịp thời gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cử tri cũng bất bình và lên án một số cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cũng từ thực tế thời gian qua, cử tri nhận định, thực hiện công tác phòng, chống dịch, việc triển khai họp trực tuyến từ T.Ư đến địa phương giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm lưu lượng tham gia giao thông. Đề nghị Quốc hội quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức hội nghị, họp, dạy học… bằng hình thức trực tuyến để áp dụng rộng rãi, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực.
Cử tri lo lắng trước tình trạng dự án chậm
Nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng được cử tri Hà Nội đề cập đến. Trong đó, cử tri cho rằng để thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, Chính phủ nên đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian vừa qua, có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, cử tri tiếp tục cho rằng, dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội bị đội vốn rất nhiều lần và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, xã hội của đất nước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể.
Cũng liên quan đến các vấn đề đô thị, cử tri đặt ra vấn đề khi quy hoạch giao thông tại các TP như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu ưu tiên vận chuyển hành khách bằng các loại hình phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Cử tri cũng mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết liệt xử lý các vụ án tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, có chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, có những giải pháp phù hợp trong tạo nguồn cán bộ trẻ ở các cấp từ T.Ư đến địa phương…