Kiến nghị của cử tri Hà Nội: “Nóng” với các vấn đề xã hội

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV (khai mạc hôm nay, ngày 20/5) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, có 33 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7
Đề cập đến công tác xây dựng Luật, cử tri nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã dẫn ra thực tế đáng báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức trong xã hội và đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành đạo luật về lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh nhằm chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống. Phản ánh nạn bạo lực học đường ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa nội dung giáo dục đạo đức, chú trọng các tiết học giáo dục công dân, kỹ năng sống nhằm trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh.
Hôm nay, ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc và diễn ra đến 14/6. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 7 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia…; Cho ý kiến 9 dự án Luật khác: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Bộ luật Lao động (sửa đổi)…
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét bổ sung hành vi hoặc tăng nặng khung hình phạt trong Bộ Luật Hình sự đối với các hành vi thời gian gần đây xảy ra, gây bức xúc trong dư luận như: Bạo lực học đường; xâm hại tình dục trẻ em; người đã sử dụng rượu, bia, các chất gây nghiện vẫn lái xe; gian lận trong thi cử…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo đó có quy định cụ thể vai trò giám sát, nâng cao thẩm quyền, phát huy hiệu lực cao nhất của HĐND các cấp trong lĩnh vực đất đai.

Đề cập đến những vấn đề trong đời sống dân sinh, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá kỹ sự tác động đối với đời sống Nhân dân khi tăng giá điện, xăng, dầu, sách giáo khoa, viện phí… đảm bảo phù hợp, có lộ trình để không ảnh hưởng lớn đến đời sống. Trong các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri ở Hà Nội, nhiều ý kiến bức xúc trước thực trạng, hiện nay, việc sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy, chất gây nghiện ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng lớn, gây bất an cho xã hội.

Trước tình trạng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra phần nhiều do sự yếu kém của lái xe khi xử lý tình huống, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, nhất là đối với xe tải, xe khách, xe container. Cùng với đó, nhiều ý kiến tiếp tục mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng các tàu hút cát tại khu vực kè trên sông Hồng; nghiên cứu biện pháp thay thế và tiến tới cấm sử dụng túi nilon để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa tới môi trường.

Nêu ra các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Hà Nội, cử tri đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng các giải pháp để chấn chính việc triển khai chậm tiến độ, giải ngân vốn rất chậm so với kế hoạch đề ra, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần