Kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội: Đề xuất gỡ vướng một số cơ chế chính sách, quản lý đất

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước Kỳ họp thứ 18, HĐND TP, có 183 nhóm kiến nghị của cử tri đã gửi tới UBND TP và các sở, ngành chức năng đề nghị sớm giải quyết, trong đó nhiều ý kiến liên quan vấn đề cơ chế, chính sách và các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, đô thị, môi trường…

Cử tri nêu kiến nghị trong buổi tiếp xúc giữa các đại biểu HĐND TP với cử tri quận Thanh Xuân trước Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Băn khoăn chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở
Trong các kiến nghị về cơ chế chính sách, nhiều cử tri băn khoăn về chính sách hỗ trợ cán bộ hoạt động ở cấp cơ sở và đề nghị điều chỉnh hợp lý. Trong đó, cử tri đề nghị TP nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ không chuyên trách, cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã và thôn hiện nay, đảm bảo phù hợp sau khi thực hiện Đề án 06 và Đề án 21 của TP. Đồng thời, đề nghị TP điều chỉnh cấp kinh phí hoạt động cho các ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố (TDP) theo từng mức khác nhau tùy số hộ dân (thay vì cào bằng như hiện nay); điều chỉnh phụ cấp cho bí thư chi bộ - trưởng ban công tác mặt trận và tổ trưởng TDP (phân mức phụ cấp theo 3 loại: TDP có 450 hộ trở lên được hưởng mức 1,8; TDP có 350 hộ đến dưới 450 hộ hưởng mức 1,4; TDP dưới 350 hộ được hưởng mức 1,1). Theo cử tri, chế độ phụ cấp giữa Nghị định 34/2019/NĐ-CP và Quyết định 16/2019/QĐ-UBND của UBND TP chưa có sự thống nhất...

Cũng trong vấn đề cơ chế chính sách, cử tri một số quận, huyện đề nghị TP chỉ đạo các cấp chính quyền tăng kiểm tra giám sát những dự án đầu tư công, nhất là dự án lát vỉa hè; xem xét dừng việc mua sắm tài sản tập trung của TP; hỗ trợ đối tượng tham gia bộ đội thuộc biên giới, hải đảo, giúp nước bạn Lào, Campuchia sau năm 1975 được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg cũng được sử dụng xe buýt miễn phí; có chính sách đặc thù, mua BHYT cho người mắc bệnh hiểm nghèo theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 của HĐND TP quy định với hộ trung bình, hộ cận nghèo và được hưởng chế độ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh... Đáng chú ý, hiện đã có cơ chế hỗ trợ các gia đình, cá nhân bị thu hồi diện tích từ 30 - 100%, nhưng các trường hợp không đủ 30% thì chưa có chính sách hỗ trợ, nên TP cần xem xét để Nhân dân bớt thiệt thòi.

Nhiều bức xúc về quản lý đất đai

Bên cạnh băn khoăn về cơ chế chính sách, lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường... tiếp tục nhận được không ít bức xúc. Trong đó, cử tri huyện Phú Xuyên cho rằng, theo Quyết định 20/2017/QĐ-UBND của UBND TP về ban hành quy định hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất (SDĐ); kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP hạn mức công nhận quyền SDĐ ở tối đa là 300m2, diện tích còn lại công nhận sang mục đích sử dụng khác và áp dụng theo bản đồ năm 1982, nên gặp rất nhiều khó khăn khi làm hồ sơ. Vì vậy, UBND TP cần sớm tháo gỡ, giảm thủ tục để đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở cho Nhân dân. Cử tri huyện Đan Phượng đề nghị TP hướng dẫn và chỉ đạo việc xin cấp chỉ giới đường đỏ, chỉ giới quy hoạch để cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho Nhân dân, bởi hiện các gia đình, cá nhân có đất ven những trục quốc lộ đã quy hoạch mở rộng nhưng nhiều năm nay chưa thực hiện (đường 32A cũ) và ven tỉnh lộ xin cấp chỉ giới còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp, tốn kém.

Cùng kiến nghị về quản lý, SDĐ, cử tri huyện Thanh Oai đề nghị TP rà soát, sửa đổi một số nội dung tại Quyết định 04/2017/QĐ-UBND ngày 24/2/2017 quy định về đấu giá quyền SDĐ để giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất trên địa bàn Hà Nội phù hợp với thực tế. Bởi tại các xã, huyện nói chung và trên địa bàn Thanh Oai nói riêng có quỹ đất công ích do UBND xã quản lý hầu hết là ruộng xa, ruộng trũng, đất xấu mà phải lập hồ sơ đấu giá để đưa vào sử dụng trong 5 năm là hoàn toàn không khả thi. Cử tri Hoài Đức thì đề nghị TP xem xét chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính cấp, chia tách, thừa kế, đính chính giấy chứng nhận quyền SDĐ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP đảm bảo thuận tiện. Trong khi, cử tri Sóc Sơn đề nghị TP có cơ chế đặc thù về giá bồi thường hỗ trợ GPMB khi thu hồi đất nông nghiệp thực hiện dự án đấu giá quyền SDĐ tại địa phương để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tạo thuận lợi trong GPMB.

Trong các kiến nghị liên quan môi trường, sản xuất nông nghiệp (SXNN), đáng chú ý cử tri huyện Phú Xuyên đề nghị UBND TP có phương án xử lý ô nhiễm nguồn nước và tiếp tục chủ trương dẫn nguồn nước sông Hồng để phục vụ SXNN trên địa bàn huyện, nhất là miền Tây huyện (hiện nguồn nước sông Nhuệ màu đen, hôi thối; khi bơm tưới phục vụ sản xuất thủy sản bị chết, cửa lấy nước vào ruộng lúa đổ non gây thiệt hại cho SXNN, ảnh hưởng sức khỏe người dân).