Kiến nghị gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên xe ô tô: Hay nhưng khó làm

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, dư luận trong nước “nóng” lên với thông tin Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội sẽ kiến nghị các cơ quan có chức năng xem xét việc gắn thiết bị đo nồng độ cồn trong xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

 Về vấn đề này, giới chuyên môn cho rằng, đây là cách làm hay để hạn chế tình trạng “ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng cần tính toán kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các DN vận tải.

Uống rượu bia là không thể khởi động xe

Cụ thể, theo ý tưởng của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đối với các phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ngoài việc gắn thiết bị giám sát hành trình còn phải gắn máy đo nồng độ cồn ngay trong xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện, lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn và kết quả kiểm tra sẽ được kết nối với trung tâm quản lý lái xe. Và khi hệ thống phát hiện lái xe sử dụng rượu bia thì trung tâm quản lý xe sẽ can thiệp để phương tiện không thể khởi động được. Cũng theo đại diện Phòng CSGT, để làm được điều này, hệ thống đo nồng độ cồn trong xe sẽ được tích hợp thêm thiết bị nhận dạng, thông tin về lái xe để tránh tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nhờ người khác kiểm tra nồng độ cồn thay.

 Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. 

            Ảnh:  Công Hùng 

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, đây chỉ là một trong những đề xuất, kiến nghị của đơn vị trong năm 2017 nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP. Cụ thể, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, ngoài việc kiến nghị gắn thiết bị đo nồng độ cồn trong xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, Phòng CSGT dự tính sẽ kiến nghị các cơ quan có chức năng xem xét cho phép trông giữ phương tiện một hàng trên một số tuyến phố trong khu vực nội đô. Ngoài ra, Phòng CSGT sẽ kiến nghị xây dựng hệ thống điểm đối với các lái xe. Theo đó, lái xe khi được cấp giấy phép lái xe sẽ có 10 điểm trong “tài khoản”, trong quá trình hoạt động nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị trừ dần và khi hết điểm, lái xe sẽ buộc phải thi lại như lần đầu đi thi.

Lo ngại phát sinh tốn kém

Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng, mặc dù đến thời điểm này, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội vẫn chưa có đề xuất chính thức, tuy nhiên, dưới góc độ quản lý giao thông, quản lý lái xe… hướng đến đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu UTGT tại các đô thị lớn, đây là việc làm rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, về quan điểm, Hiệp hội rất ủng hộ việc xử lý các lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. “Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam luôn ủng hộ những đề xuất, sáng kiến nhằm quản lý phương tiện, lái xe, nhưng những đề xuất này phải được thực hiện trên tinh thần không làm phát sinh tốn kém, gây khó khăn cho các DN vận tải” - ông Thanh cho biết.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nói chung và kiến nghị lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn trong xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu yêu cầu các DN vận tải phải bỏ thêm kinh phí để trang bị hệ thống đo nồng độ cồn trong xe, e rằng sẽ là quá sức đối với họ. Do đó, khi kiến nghị này chính thức được đề xuất, cần phải làm rõ việc chi phí lắp đặt thiết bị sẽ được lấy từ đâu, DN vận tải sẽ phải chịu toàn bộ hay Nhà nước sẽ có hỗ trợ một phần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần