Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị quan tâm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật tại cơ sở

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát tình hình chấp hành pháp luật về công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội, sáng nay (23/5), đoàn giám sát do Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo quận và đại diện các phòng, ban, các phường quận Long Biên.

 Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc 
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, thời gian qua, công tác bổ trợ tư pháp tại quận nhận được quan tâm chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ từ quận đến cơ sở, của các cấp, ngành, nên đã đạt kết quả khả quan, giúp giảm tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân, kiềm chế gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó năm 2017, Phòng Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền cho 2.047 lượt người, về các Luật như Trưng cầu ý dân, An toàn thông tin mạng, Tiếp cận thông tin, Trẻ em, Trợ giúp pháp lý, Tố tụng hành chính…; các quy định về đất đai, chính sách GPMB… cho các cán bộ tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải, Nhân dân trên địa bàn. 
Các thành viên Hội đồng cũng tổ chức, triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL phù hợp từng đối tượng, địa bàn về các nội dung văn bản luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua và nhiều văn bản Luật liên quan đời sống người dân. Tại UBND các phường, cũng đã tổ chức 89 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL với 17.088 lượt người nghe, đài truyền thanh phường phát 1.602 buổi tuyên truyền pháp luật.

Trong công tác định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự, năm qua, Hội đồng định giá tài sản đã phối hợp, tiến hành định giá sơ bộ 414 hồ sơ và định giá chính thức 122 hồ sơ, ban hành biên bản và kết luận định giá, bàn giao cho cơ quan công an và cơ quan điều tra.

Từ thực tế triển khai và khó khăn đang gặp phải trên địa bàn, lãnh đạo UBND quận đề nghị các cấp có thẩm quyền cần ban hành hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác PBGDPL, chính sách chế độ cho báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở khi làm nhiệm vụ PBGDPL; rà soát bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm kinh phí cho hoạt động PBGDPL. Quận cũng đề nghị các bộ, ngành và TP chủ trì đề án, chương trình PBGDPL cần quan tâm đầu tư kinh phí hơn cho công tác PBGDPL ở cấp huyện, xã.

Tại đây, đoàn giám sát đánh giá công tác tuyên truyền PBGDPL của quận Long Biên thể hiện có nhiều hình thức tuyên truyền, cách làm hay, như tuyên truyền sâu, lựa chọn báo cáo viên phù hợp các đối tượng, lựa chọn Luật phù hợp địa phương để tuyên truyền. Từ quận đến phường triển khai bài bản, có dự toán kinh phí cho hoạt động này. Hiệu quả tuyên truyền PBGDPL đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, số đơn thư khiếu kiện năm qua cũng giảm rất nhiều so với trước.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thực tế Long Biên là một quận trung tâm nhưng thể hiện có những cách thức tuyên truyền PBGDPL vẫn máy móc, nên đề nghị quận lựa chọn cách tuyên truyền đa dạng hơn cho phù hợp nhiều người dân, tăng hiệu quả, linh hoạt với các địa bàn khác nhau. “Đáp số cuối cùng của tuyên truyền PBGDPL là luật đi vào cuộc sống, người dân thấy được hiệu quả, hiểu và thực hiện đúng, không vi phạm pháp luật, từ đó giảm khiếu kiện và tăng tỷ lệ hòa giải thành công”, ông Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với hướng đi của quận về việc nâng cao hiệu quả tủ sách pháp luật, Trưởng đoàn giám sát cũng nhận định, tủ sách giấy thể hiện vừa tốn kém vừa mang tính hình thức cao, ít người đọc, trong khi UBND quận đã có cổng thông tin điện tử, nên cần chú trọng hướng dẫn đường truyền cho người dân để tra cứu các nội dung luật, cơ chế chính sách…