Kiên quyết dẹp rượu “3 không”

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát rượu không có giấy phép, không tem nhãn, không có nguồn gốc xuất xứ; các cơ sở pha chế rượu, sử dụng chất cấm trong thực phẩm làm nguyên liệu sản xuất rượu…, Sở Công Thương Hà Nội còn tích cực tuyên truyền, tập huấn người dân về pháp luật liện quan đến sản xuất, kinh doanh rượu.

Một tháng thu hơn 11.000 lít rượu vi phạm

Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2017 về việc “khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh đối với sản phẩm rượu”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổng kiểm tra trên địa bàn toàn TP từ sản xuất đến tiêu dùng đối với sản phẩm rượu từ ngày 15/3 - 15/4/2017. Căn cứ chỉ đạo của UBND TP, trong tháng cao điểm triển khai công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), 33 đội QLTT và yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn quản lý, đặc biệt chú trọng sản phẩm rượu không có xuất xứ, nguồn gốc, không nhãn mác.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh rượu tại Nhà hàng Gà tươi Mạnh Hoạnh, 97 Trần Duy Hưng. Ảnh: Hải Lý

Cụ thể, từ ngày 16/3 - 15/4, các quận, huyện, xã, phường đã thành lập được 627 đoàn kiểm tra. Riêng Chi cục QLTT thành lập 33 đoàn kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép, không có tem nhãn, không có nguồn gốc xuất xứ (rượu “3 không”). Đặc biệt, các cơ sở pha chế rượu, sử dụng chất cấm trong thực phẩm làm nguyên liệu sản xuất rượu; các kho hàng, bến bãi, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa (có sản phẩm rượu) vào TP cũng là đối tượng kiểm tra dịp này.

Dù vậy, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc chưa có quy định rõ ràng về rượu thủ công (định nghĩa về rượu thủ công) đã gây khó khăn cho công tác quản lý và khó phân biệt với rượu công nghiệp. Đồng thời, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật hay tiêu chuẩn Việt Nam nào đối với sản phẩm rượu thủ công, nhất là những sản phẩm rượu ngâm thảo dược, hoa quả: Táo mèo, ba kích, tỏi đen, đông trùng hạ thảo...; chưa có quy định quản lý các cơ sở kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ (nhà hàng, quán ăn… có bán rượu) khiến lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm.

Nâng cao nhận thức cho người sản xuất rượu

Một khó khăn nữa trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu là số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Hà Nội rất lớn và thường xuyên biến động, trong khi quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất rất hạn chế. Mặt khác, nơi tiêu thụ rượu chủ yếu tập trung ở các nhà hàng, cửa hàng ăn uống với loại hình kinh doanh tiêu dùng tại chỗ, không phải cấp phép bán lẻ rượu cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Và đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật còn chưa tốt…

Trước thực tế đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP, các quy định về ATTP. Trong thời gian từ 16/3 - 15/4, đã có 3 lớp tập huấn kiến thức với khoảng 400 người tham dự; đối tượng là cán bộ xã, phường, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tại các làng nghề thủ công của huyện Mê Linh, Ứng Hòa và Quốc Oai được tổ chức, trong tháng 5 đã tổ chức thêm 2 lớp tập huấn tại Hoài Đức, Gia Lâm. Qua các lớp tập huấn như vậy, nhận thức của cán bộ chính quyền cơ sở, người dân về các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt kiến thức trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế trình UBND TP ban hành quy định tạm thời về quản lý các cơ sở kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động sản xuất rượu trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý chặt nguồn methanol nhập khẩu để ngăn ngừa việc sử dụng methanol trong pha chế rượu; pha các chỉ thị màu như xanh metylen... trong các loại cồn phi thực phẩm để dễ dàng phân biệt bằng mắt thường cồn thực phẩm, cồn y tế và cồn công nghiệp.

Trong tháng cao điểm từ 16/3 - 15/4, Chi cục QLTT đã kiểm tra 408 vụ; đã xử lý 380 vụ; 72 vụ đang xử lý và phạt tiền 843,95 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là 358,777 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu 11.124 lít rượu và 814 chai rượu các loại.

Tổng hợp trong 4 tháng đầu năm, Chi cục QLTT đã kiểm tra 813 vụ, phạt hành chính trên 1,6 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu gần 41.000 lít rượu và 3.327 chai rượu các loại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần