Kiên quyết không điều chỉnh tỷ giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp vào chiều muộn hôm qua (25/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)...

Kinhtedothi - Trong cuộc họp vào chiều muộn hôm qua (25/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ quan này sẽ không điều chỉnh tỷ giá như những thông tin đồn đoán trước đó. Theo đại diện NHNN, việc ổn định tỷ giá trong thời điểm này có lợi nhiều hơn là điều chỉnh tăng giá USD.

Sáng giữ kịch trần, chiều giảm mạnh

Sau khi tăng vọt lên mức 21.580 đồng/USD ngày 24/3, sáng 25/3, tỷ giá VND/USD được hầu hết các ngân hàng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, BIDV niêm yết giá VND/USD ở mức 21.505 – 21.560 VND/USD mua vào- bán ra. Tại VietinBank, giá USD mua vào ở mức 21.500 VND/USD và bán ra 21.570 VND/USD.

Dù giảm nhẹ nhưng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục neo sát trần tỷ giá niêm yết tại các sở giao dịch của NHNN là 21.350 – 21.600 VND/USD.
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Đến chiều 25/3, giá USD bất ngờ giảm được các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh từ 30 - 40 đồng/USD. 15 giờ, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở 21.465 - 21.525 VND/USD mua vào - bán ra, giảm 40 đồng so với buổi sáng. Giảm 40 đồng mua vào, 30 đồng bán ra, tỷ giá tại Techcombank xuống 21.450 - 21.540 VND/USD.

Trong vòng 2 tuần qua, USD đã tăng tới gần 200 đồng/USD. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng vài năm lại đây.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ giá tuy biến động nhưng vẫn trong biên độ cho phép. Đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới khiến nhiều người lo ngại, nhưng theo đánh giá của NHNN, USD chỉ mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, còn so với các đồng tiền châu Á thì mức tăng không nhiều, như so với Nhân dân tệ, đô la Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc). Theo bà Hồng, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá tăng thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới. Các yếu tố cung cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại. Thị trường ngoại hối vẫn hoạt động bình thường và thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Ổn định tỷ giá có lợi hơn

Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế những thông tin về định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố ngày 18/3 vừa qua và đánh giá, phân tích dưới nhiều góc độ của kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN khẳng định, việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn này. “Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt của các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối” -  Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo tính toán của NHNN, những nước bạn hàng chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, khối ASEAN, đồng nội tệ của họ mất giá ít hoặc không đổi so với USD nên những lo lắng về sự cạnh tranh không đáng kể. Vì thế, tiếp tục ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh trong giai đoạn này.

Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 của Bộ KH&ĐT, ông Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc phá giá thêm 1% sẽ tác động tốt cho xuất khẩu nhưng lại tác động tiêu cực tới nhập khẩu và nợ công. Cụ thể, nếu tỷ giá phá thêm 1% thì xuất khẩu chỉ tăng được 0,27% và chủ yếu là ở khối DN FDI. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu sẽ tăng mạnh, gây lên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của xuất khẩu và tình hình vĩ mô trong nước, đặc biệt là lạm phát và niềm tin của người dân. Đặc biệt, ông Quốc Anh nhấn mạnh, việc phá giá VND sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nợ nước ngoài của Việt Nam vì hiện Việt Nam vay nợ nước ngoài chủ yếu là đồng USD (chiếm 80%) và theo tính toán nếu nới thêm 1% tỷ giá thì nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Quốc Anh cho rằng, không nên đặt vấn đề phá giá VND vào giai đoạn hiện nay vì nó sẽ không hỗ trợ xuất khẩu mà tác động của mặt trái là rất nhiều.