Kiên quyết loại bỏ cán bộ quản lý thị trường tiếp tay buôn lậu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/1, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy, sau một năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình tổng cục theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả. Sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời các diễn biến bất thường.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trong công tác tổ chức cán bộ, Tổng cục đã giảm được 235 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 70 đội vào năm 2020. Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổng cục QLTT cũng đã phối hợp với BCĐ 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt.

Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Năm 2019, với việc phát hiện, xử lý hơn 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng, trong đó đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán hơn 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy hơn 120 tỷ đồng...

Tuy nhiên, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác triển khai hiệu quả kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020.

Tổng cục QLTT kiến nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương, lực lượng QLTT quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Đặc biệt, năm 2020, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường công tác phối hợp kết nối chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hải quan… “Đề nghị QLTT và hải quan phối hợp làm sao hàng luồng xanh đi qua bao nhiêu, lực lượng QLTT biết hết để từ đó đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần